Vinacomin nỗ lực để công nhân không mất việc

TPO - Ngày 9 - 10, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức sơ kết 9 tháng đầu năm 2012 và triển khai kế hoạch quý IV năm 2012.

Từ năm 2012, do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, nhiều nơi trong nước đã ngừng lấy than theo hợp dồng khiến sản lượng tiêu thụ trong nước giảm mạnh. Nhiều khách hàng truyền thống mất khả năng cân đối tài chính, không tiếp cận được vốn ngân hàng do lãi suất cao… phát sinh công nợ tiền than qua hợp đồng. Sức tiêu thụ của thị trường thế giới giảm sút do khủng hoảng kinh tế dẫn tới việc giá than và sản lượng khai thác giảm. mạnh. Do Việt Nam vẫn áp thuế xuất khẩu than 20% nên khó cạnh tranh và khó cân đối chi phí.

Tuy nhiên, theo Vinacomin, các đơn vị ngành than đã rất nỗ lực để doanh thu Tập đoàn vẫn đạt 60,4 ngàn tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch, giá trị sản lượng than khai thác vẫn đạt 40,5 ngàn tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch và bằng 87% so với cùng kỳ năm 2011. Bóc xúc 185,7 triệu m3 đất đá, đào hơn 256 km lò, tiêu thụ đạt trên 27,5 triệu tấn than, xuất khẩu được 9,5 triệu tấn; thu nhập bình quân của người lao động đạt xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng.

Sau 9 tháng, lợi nhuận toàn Tập đoàn ước đạt 1.000 tỷ đồng. Hiện, Tập đoàn chỉ còn tồn 6,5 triệu tấn than sạch và 2,4 triệu tấn than nguyên khai so với hơn 9 triệu tấn vào giữa kỳ do tìm được nhiều thị trường để xuất khẩu. Nhiều đơn vị tiêu thụ than trong nước nợ tiền bán than.

Theo báo cáo, mặc dù rất nỗ lực áp dụng nhiều nỗ lực nhằm giảm những thiệt hại từ tình hình suy thoái kinh tế nhưng nhiều đơn vị của Vinacomin thiếu việc làm, nhiều công nhân phải nghỉ việc nhiều ngày. Do các đơn vị sản xuất than phải giảm sản lượng, tài chính khó khăn nên các đơn vị thương mại đều bị ảnh hưởng lớn. Tại hầu hết các Cty thuộc Tập đoàn, việc làm và thu nhập của công nhân đều phải giảm. Ở nhiều đơn vị, công nhân chỉ làm việc 4 ngày/tuần, hầu hết phải nghỉ luân phiên.

Nhằm ổn định tình hình sản xuất, Vinacomin đã ban hành nhiều chỉ thị, chỉ đạo về các giải pháp điều hành sản xuất, tiêu thụ và tiết giảm chi phí. Trong đó yêu cầu tiết giảm 5% chi phí giảm trừ vào giá than nội bộ, điều tiết các hoạt động sản xuất để đảm bảo công nhân sản xuất chính, đặc biệt là thợ lò có đủ việc làm và ổn định thu nhập. Đối với các nghề, công việc khác, trả lương theo hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Bên cạnh đó, Tập đoàn tổ chức kiểm tra rà soát công tác tổ chức, điều hành sản xuất chủ động tiết giảm chi phí, tích cực đẩy mạnh tiêu thụ, giảm tồn kho, bám sát thị trường, phối hợp với các địa phương thực hiện tốt quản lý khai thác, bảo vệ ranh giới mỏ, đảm bảo an ninh trong quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than...,đồng thời chủ động báo cáo Chính phủ, các Bộ ngành những khó khăn của Tập đoàn để tháo gỡ.

Theo Viết