Vietinbank chi trả 2.000 tỷ đồng cổ tức, lỗi hẹn sáp nhập PGBank

TPO - Ngày 17/4, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức ĐHCĐ năm 2016. Việc sáp nhập PGBank chưa hoàn thành trong năm qua do các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chấp thuận nguyên tắc và chấp thuận chính thức theo quy định về sáp nhập hiện hành.

Chưa sáp nhập PGBank

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017 sáng nay (17/4), Chủ tịch HĐQT VietinBank - ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân khiến các chỉ tiêu về vốn chưa đạt kế hoạch đề ra là do kế hoạch không chia cổ tức năm 2015 và sáp nhập PG Bank chưa hoàn thành trong năm 2016. Cụ thể, việc sáp nhập PGBank chưa hoàn thành trong năm qua do các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chấp thuận nguyên tắc và chấp thuận chính thức theo quy định về sáp nhập hiện hành.

Ông Thắng cho biết thêm, Ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ nhất các điều kiện cơ bản để áp dụng Basel II theo chuẩn. Cho dù áp dụng theo thời điểm hiện nay, Ngân hàng vẫn đạt theo quy định của NHNN tối thiểu 8%. Tuy nhiên, trong thời gian tới, VietinBank tập trung các giải pháp để CAR phải luôn ở mức quy định.

Theo báo cáo của Ban kiểm soát ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank – mã: CTG) tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, về giao dịch sáp nhập PGBank vào VieitnBank, thực hiện nhiệm vụ được giao và ủy quyền của ĐHĐCĐ, HĐQT đã triển khai các công việc, các thủ tục cần thiết theo yêu cầu và hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Trong năm 2016, VietinBank đã hoàn tất các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu và trình NHNN.

"Tuy nhiên, sau khi xem xét, NHNN đã tiếp tục yêu cầu VietinBank thực hiện việc rà soát, cập nhật lại kết quả định giá cổ phiếu PGBank, tính toán và đàm phán lại về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa VietinBank và PGBank." ban kiểm soát VietinBank cho biết.

Sau khi có yêu cầu của NHNN, VietinBank đã tiếp tục thuê tư vấn độc lập là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện công việc này và hiện nay VietinBank đang trong quá tình đàm phán, thống nhất lại với PGBank để báo cáo NHNN.

Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, cổ đông ngân hàng Vietinbank đã thông qua tờ trình sáp nhập PGBank. Và tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng là 1:0,9, tức một cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu CTG của VietinBank.

Chia cổ tức 7% tiền mặt

Theo tài liệu báo cáo, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức 8.569 tỷ đồng, ngân hàng trình cổ đông tỷ lệ 2016 là 7% và thực hiện bằng tiền mặt, tương đương với mức cổ tức năm 2015. VietinBank ước chi khoảng 2.606 tỷ đồng để trả cổ tức trên.

Về kế hoạch kinh doanh 2017, Vietinbank dự kiến tăng tổng tài sản lên 1.086 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 14% so với năm 2016. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 16%, đạt mức 827 nghìn tỷ đồng; tổng nguồn huy động tăng 15%, đạt mức 996 nghìn tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay với mức tăng khoảng 3%, tương đương 8.800 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức trình cổ đông từ 5% - 7% trên vốn điều lệ.

Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Michael Knight Ipson theo đề nghị của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) và miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Hiroyuki Nagata theo đề nghị của Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU).

Thay vào đó, đại hội đồng cổ đông cũng thông qua danh sách ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2014 - 2019 đối với ông Hiroshi Yamaguchi, Phó trưởng phòng khối khách hàng doanh nghiệp số 3 BTMU theo đề nghị của BTMU.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm giữ 64,46% cổ phần tại VietinBank; BTMU và IFC là hai cổ đông lớn sở hữu tương ứng 19,73% và 7,78% cổ phần ngân hàng này.

Cũng tại hội nghị, các cổ đông ngân hàng này đã thông qua mức thù lao đối với hội đồng quản trị, ban kiểm soát năm 2017. Với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 8.800 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế 7.040 tỷ đồng, HĐQT VietinBank đề xuất mức thù lao đối với HĐQT và ban kiểm soát là 0,38% lợi nhuận sau thuế 2017. Năm 2016, mức thù lao chi cho các lãnh đạo VietinBank bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế.

Về vấn đề nợ xấu tăng so với năm 2015, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, tỷ trọng cuối năm 2016 so với cuối năm 2015 có nhích lên chút ít nhưng quy mô nợ xấu ở mức nhỏ. Ngân hàng chủ động nhận diện cảnh báo những khoản vay có dấu hiệu lâm vào khó khăn trên cơ sở phân tích định lượng, định tính để có sự chăm sóc “đặc biệt”, quản lý chặt chẽ "Do vậy, chất lượng nợ của VietinBank tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay", ông Thọ nói.