Thông tin được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đưa ra tại buổi tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn ngày 7/12.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5 đại học quốc gia
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo dự thảo trong khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, sẽ có 5 đại học, 5 đại học vùng và từ 18 - 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Đại học quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mệnh dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia.
“Tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách Khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1000 thuộc các bảng xếp hàng quốc tế có uy tín”, ông Dũng thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, theo dự thảo, tới năm 2030, Bộ GD&ĐT phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường Đại học Vùng, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới. Cạnh đó, phát triển các Trường Đại học Việt - Đức, Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Việt - Nhật thành các trường đại học quốc tế xuất sắc.
Sau năm 2030 có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.
Chỉ còn 50 cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các địa phương), 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị, quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phân mảnh khi số lượng cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ GD&ĐT) có tỉ lệ cao. Số lượng các trường đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học địa phương chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.
Trước thực tế trên, theo dự thảo, tới năm 2030 toàn quốc có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, có 11 cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò hạt nhân và nòng cốt của mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên trong từng vùng và khu vực, tập trung nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc.
Khoảng 22 trường đại học (hầu hết trực thuộc UBND cấp tỉnh) đào tạo đáp ứng nhu cầu đội ngũ giáo viên các cấp học của địa phương và các tỉnh lân cận với khoảng 44% quy mô đào tạo giáo viên toàn quốc. Khoảng 17 cơ sở giáo dục đại học khác tham gia đào tạo một số ngành đào tạo giáo viên đặc thù, chiếm khoảng 6% quy mô đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, việc quy hoạch này dựa trên hệ thống sẵn có. Quy hoạch hệ thống thế nào cho tối ưu nhất chứ khó có thể đáp ứng hết mong đợi của các bên liên quan.