Việt Nam phong phú nguồn dược liệu tự nhiên
> Những thảo dược chữa ung thư ở Việt Nam
> Chữa bệnh bằng Thiên Ma
TPO - Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-BYT về Danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đã hình thành một số cơ sở sản xuất dược liệu thuộc các doanh nghiệp. Tổng Công ty Dược có: Nông trường dược liệu Eakao (Đắc Lắc); Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Long An); Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Long Thành (Đồng Nai); Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Tuy Hòa (Phú Yên); Trung tâm giống dược liệu Đà Lạt (Lâm Đồng).
Điều kiện tự nhiên ưu đãi cho đất nước và con người Việt Nam một hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng to lớn về tài nguyên cây thuốc. Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỹ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh như: Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Sìn Hồ (Lai Châu); Quyết Tiến, Phó Bảng (Hà Giang); Hà Quảng, Thông Nông (Cao Bằng); Hang Kia - Pà Cò (Hòa Bình); Son Bá Mười (Thanh Hóa); Mường Lống (Nghệ An) và Đà lạt (Lâm Đồng) trồng các cây thuốc bắc nhập nội (Bạch Chỉ, Bạch Truật, Đương quy, Huyền sâm, Đỗ trọng, Hoàng bá, Xuyên khung, Tam thất...); Cây thuốc nhập nội làm nguyên liệu cho Công nghiệp Dược (Actiso) và cây thuốc bản địa có tính chất ôn đới (Thảo quả, Tục đoạn, Táo mèo...). Bên cạnh khả năng trồng lớn, các vùng núi cao kể trên còn sản xuất ra các loại hạt giống tốt để đưa về vùng xuôi phát triển trồng (Bạch chỉ, Đương quy, Ngưu tất, ...). Một số tỉnh thuộc vùng núi thấp như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngải... có ưu thế trồng một số cây đặc sản có giá trị xuất khẩu cao như: Hồi, Quế...
Ở các tỉnh vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và khu 4 cũ là nơi sản xuất đại trà một số cây thuốc bắc nhập nội nhưng hạt giống lấy từ vùng núi cao như: Bạch Chỉ, Đương quy, Địa hoàng, Ngưu tất, Cát cánh, Trạch tả... Vùng này còn là nơi trồng chủ yếu của các loài cây như Hòe, Bạc hà và nhiều loại cây thuốc nam truyền thống khác. Tại một số tỉnh ở Miền trung, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu long đã từng là nơi trồng sản xuất nhiều loài cây thuốc có tinh dầu như: Bạc hà, Sả, Hương nhu trắng...
Thái Hà