Việt Nam già hóa: Những đề xuất giảm bớt gánh nặng xã hội từ chuyên gia

Trong những năm gần đây, dân số già là một trong những mối lo hàng đầu của Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội Việt Nam. Do đó, để thích ứng với già hóa dân số, cần có các chiến lược tiếp cận toàn diện để chủ động chuẩn bị cho giai đoạn dân số già.

Việt Nam ở ngã rẽ quan trọng

Việt Nam đang nằm trong top những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ ở mức trung bình thấp. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm có dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn để gia nhập các thị trường có giá trị cao hơn trong khi lại hạn chế về nguồn thu dành cho các khoản chi liên quan đến người cao tuổi. Điều đáng lo ngại là mức lương thấp kéo dài sẽ không đủ chi trả cho tình trạng bệnh mãn tính ở người già.

Người cao tuổi gặp nhiều khó khăn khi xoay sở tài chính cho chi phí khám chữa bệnh. Nguồn: Freepik.

Kết quả Điều tra Quốc gia về người cao tuổi còn cho thấy, hơn 60% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Khi ấy, tỷ lệ dân số cao tuổi càng lớn, gánh nặng đè lên vai những người chăm sóc như con, cháu càng nhiều.

Một thách thức nữa cũng cần nhắc tới, đó chính là già hoá dân số sẽ khiến cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Điều này cho thấy việc chuẩn bị cho thời kỳ dân số già sắp tới là điều cần tính toán.

Tận dụng cơ hội từ già hóa dân số

Già hóa dân số với những thách thức là điều không thể chối bỏ, nhưng theo ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, già hóa dân số cũng cần được nhìn nhận cả trên khía cạnh tích cực, dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây còn là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.

Bởi người cao tuổi được coi là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội. Vì vậy, khi tiếp cận chính sách theo hướng tạo việc làm, môi trường giải trí, tận dụng kinh nghiệm, tri thức, năng lực của người cao tuổi sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho đất nước.

Do đó, ngoài những chính sách mang tầm vĩ mô, để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi...

Người cao tuổi là nguồn lực dồi dào về tri thức, kinh nghiệm, có khả năng tiếp tục đóng góp cho xã hội. Nguồn. Freepik.

Về kinh tế, phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già. Về chăm sóc sức khỏe, phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh. Doanh nghiệp cần cung cấp hàng hóa và dịch vụ thích hợp với người cao tuổi; tạo việc làm, sử dụng lao động cao tuổi; hỗ trợ nguồn lực đóng góp cho việc chăm sóc người cao tuổi.

Để chủ động tuổi già độc lập

Để già hóa chủ động và khỏe mạnh, chúng ta phải lên kế hoạch chuẩn bị và tích lũy cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam: "Điều chúng ta phải làm ngay là cung cấp cho thế hệ trẻ những công cụ và kỹ năng để hoạch định tương lai. Thế hệ trẻ cần nhận thức vấn đề già hóa dân số đang diễn ra ở Việt Nam. Phải lên kế hoạch cho tương lai, đặc biệt là về mặt tài chính cho bản thân, gia đình và xã hội".

Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, Việt Nam hiện có tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử và “cơ hội nhân khẩu học” vẫn đang mở ra để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Do đó, điều cần thiết là phải cung cấp giáo dục có chất lượng, bao gồm giáo dục toàn diện về giới tính cho thanh niên Việt Nam, đồng thời phải cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cụ thể cho thanh niên bao gồm cả chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục toàn diện về giới tính và giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.

Người trẻ lên kế hoạch chuẩn bị và hành động ngay từ bây giờ vì tuổi già độc lập, an vui. Nguồn: Freepik.

Song song đó, giới trẻ phải nhận thức được ý nghĩa của tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam và từ đó lên kế hoạch cho tương lai, đặc biệt là về mặt tài chính cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây là cách mà UNFPA gọi là phương pháp tiếp cận vòng đời vào giải quyết vấn đề già hóa dân số, để không phải vật lộn khi già đi người trẻ cần chuẩn bị tốt đón nhận giai đoạn già đi của cuộc đời.

Già hóa dân số nếu được chuẩn bị tốt thì không phải là thách thức, mà trở thành cơ hội. Điều này cũng đặt ra vấn đề cho cơ quan quản lý, làm thế nào kết hợp tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng với thích ứng già hóa, cũng như cân đối giải quyết vấn đề vĩ mô về kinh tế và an sinh xã hội.