Việt Nam đạt nhiều thành tựu về phân định biển với các nước láng giềng nhờ UNCLOS

TPO - Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng nhờ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việt Nam cũng luôn coi Công ước là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác trên biển.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có hiệu lực (16/11/1994 - 16/11/2024).

Xin ông cho biết giá trị và vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Là một văn kiện pháp lý đồ sộ với 320 Điều, được chia làm 17 Phần, và 9 Phụ lục, UNCLOS được mệnh danh là bản “Hiến pháp Đại dương”, đề ra khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, vốn chiếm hơn 70% bề mặt trái đất. Công ước cũng chính là nền tảng để các nước cùng hợp tác quản trị đại dương một cách có trật tự và bền vững. Có thể kể một số điểm nổi bật và ý nghĩa quan trọng của Công ước như sau:

Thứ nhất, UNCLOS lần đầu tiên giải quyết tổng thể và triệt để vấn đề phạm vi và quy chế các vùng biển, tạo cơ sở để các quốc gia thực thi các quyền và tiến hành các hoạt động trên biển. Chế định về các vùng biển quy định trong Công ước đã xử lý hài hòa lợi ích của các nhóm quốc gia khác nhau, gồm các quốc gia ven biển, các quốc gia không có biển hay gặp bất lợi về hoàn cảnh địa lý.

Một trong những giải pháp dung hòa quyền lợi của các quốc gia chính là việc Công ước lần đầu tiên chính thức ghi nhận chế định “đặc thù” về vùng đặc quyền kinh tế, tại đó quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, trong khi vẫn bảo đảm một số quyền tự do cho các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, một chế định rất sáng tạo, có thể nói là sáng tạo nhất, trong Công ước đó là việc coi “Vùng”, gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài quyền tài phán quốc gia, và các tài nguyên tại đây là “di sản chung của nhân loại”.

Theo đó, Công ước thành lập một tổ chức quốc tế để quản lý các hoạt động tại Vùng nhằm bảo đảm việc chia sẻ công bằng lợi ích kinh tế từ việc khai thác tài nguyên tại đây cho tất cả các quốc gia.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Mofa)

Công ước có nhiều điều khoản quy định về bảo vệ môi trường biển và nghiên cứu khoa học biển – đây là những nội dung hoàn toàn mới so với các điều ước quốc tế về biển trước đó của Liên Hợp Quốc (4 Công ước Geneva về Luật biển năm 1958).

Theo đó, UNCLOS đề ra khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh việc quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.

Vấn đề nghiên cứu khoa học biển cũng được điều chỉnh một cách hài hòa, cân bằng chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển với nhu cầu hợp tác, yêu cầu gia tăng hiểu biết để có thể quản trị tốt biển và đại dương.

Công ước đặt ra một hệ thống giải quyết tranh chấp tương đối toàn diện, một mặt khẳng định lại nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế quy định trong Hiến chương LHQ, mặt khác quy định cụ thể về các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp như hoà giải, trọng tài hay toà án.

Với hệ thống này, các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước luôn có thể được giải quyết một cách kịp thời, qua đó duy trì hoà bình, ổn định và ngăn ngừa xung đột.

Đồng thời, phán quyết của các cơ quan tài phán được thành lập theo quy định của UNCLOS cũng góp phần làm sáng tỏ các quy định của Công ước, bảo đảm tính toàn vẹn cũng như việc thực thi hiệu quả Công ước.

Có thể nói, UNCLOS là một trong những thành tựu lớn nhất về luật pháp quốc tế của cộng đồng quốc tế trong thế kỷ XX. Công ước không chỉ pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, mà còn phát triển tiến bộ Luật biển quốc tế nhằm đáp ứng những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương.

Cho đến nay, Công ước vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương.

Nhiều đóng góp tích cực

Sau 30 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực, ông cho biết Việt Nam đã có những đóng góp gì cho việc xây dựng và thực thi “Hiến pháp Đại dương”?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Việt Nam đã luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc ký kết và thực hiện Công ước. Ngay sau khi văn kiện được thông qua và mở ký, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên ký Công ước tại Montego Bay (Jamaica) và phê chuẩn trước khi Công ước có hiệu lực.

Trong những năm qua, nhằm thực thi UNCLOS, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển và đại dương, ban hành các văn bản pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch phục vụ việc sử dụng, khai thác biển hiệu quả và bền vững của đất nước.

Với tinh thần là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng luôn coi Công ước là cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động hợp tác trên biển.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc giải quyết các vấn đề phân định biển với các nước láng giềng, nổi bật là: cùng với Thái Lan giải quyết vấn đề phân định biển trong Vịnh Thái Lan 1997 – Hiệp định phân định biển đầu tiên của ASEAN sau khi Công ước có hiệu lực; là nước đầu tiên và duy nhất cho đến nay có Hiệp định phân định biển với Trung Quốc - phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000; cùng với Indonesia giải quyết vấn đề phân định thềm lục địa và sau đó là vùng đặc quyền kinh tế lần lượt vào năm 2003 và năm 2022, làm phong phú thêm thực tiễn phân định biển theo quy định của Công ước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia chủ động, tích cực các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước, đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế ghi nhận, qua đó từng bước nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam từng đảm nhiệm vị trí thành viên của Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, có những đóng góp thực chất trong tiến trình Toà án Luật biển Quốc tế cho ý kiến tư vấn về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế, tham gia tích cực quá trình đàm phán và sớm ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài phạm vi vùng tài phán quốc gia – văn kiện quốc tế gần đây nhất liên quan đến việc thực thi Công ước.

Việt Nam cũng tiến cử các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao tham gia vào các cơ quan được thành lập trong khuôn khổ UNCLOS, trong đó có việc đề cử ứng viên cho vị trí thẩm phán Toà án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.

Tại LHQ, Việt Nam cùng Phái đoàn đại diện của 11 nước đồng sáng lập nhóm các nước bạn bè UNCLOS với hơn 100 nước thành viên từ tất cả các khu vực địa lý nhằm thúc đẩy việc thực thi Công ước.

Có thể thấy rằng, đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển của UNCLOS, Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước, luôn đề cao giá trị, tôn trọng và thực thi đầy đủ Công ước, đồng thời qua đó cũng khẳng định vị thế, vai trò và sự tích cực, chủ động của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những đóng góp gì cho việc đề cao và thực thi Công ước?

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ quyết tâm triển khai thành công các nhiệm vụ nhằm tiếp tục thể hiện việc coi trọng, tuân thủ và thực thi đầy đủ UNCLOS, và thể hiện hình ảnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là người bạn tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam tiếp tục ban hành các chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia liên quan tới biển và hải đảo theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, và bảo đảm phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Việt Nam luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và coi Công ước là cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động trên biển, bao gồm việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển với các quốc gia láng giềng, hướng tới việc quản trị hoà bình, bền vững các vùng biển, kể cả Biển Đông.

Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp thực chất tại các diễn đàn về luật biển và đại dương như Hội nghị các Quốc gia thành viên UNCLOS, Hội nghị Đại dương LHQ, cũng như tiếp tục đóng góp vào các vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm, trong đó gồm biến đổi khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững các tài nguyên và đa dạng sinh học trên đại dương.

Việt Nam cũng kêu gọi các quốc gia tiếp tục phê chuẩn, tham gia Công ước, đồng thời thúc đẩy việc thực thi thiện chí và đầy đủ các quy định của Công ước để UNCLOS phát huy hơn nữa vai trò khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với các cơ quan pháp lý quốc tế, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn về đại dương và Luật biển, đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa.

Cảm ơn Thứ trưởng.