Tham luận này đặc biệt gây được sự chú ý của các đại biểu và sẽ được tổng hợp cùng một số ý kiến khác để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều cùng ngày.
Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Văn Cương.
Thay vì tiếp tục mổ xẻ thêm về việc thiệt, hơn giữa các quốc gia như nhiều báo cáo trong thời gian qua, PGS đã đưa ra một giải pháp khác…
Đúng vậy. Toàn bộ sự việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đặc biệt là thủy điện gây tranh cãi Xayaburi, là không thể ngăn được. Vì đằng sau toàn bộ những chuyện này là sự hậu thuẫn của cường quốc Trung Quốc. Tôi có đầy đủ các thông tin để khẳng định việc này.
Sáu quốc gia trên sông Mekong tạm phân làm hai phía: Một là Trung Quốc ở thượng nguồn (gọi bên A) và hai là 5 quốc gia ở hạ lưu gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (gọi bên B). Tương quan bên A quá lớn, quá mạnh so với B. Có thể nói A áp đảo B. Trong 6 quốc gia này, Lào là quốc gia nhỏ nhất, và yếu thế; nhưng thiệt thòi và bị đe doạ lớn nhất là Việt Nam.
Sức mạnh của Trung Quốc thể hiện ở ba điểm: Thứ nhất, tiềm lực kinh tế và quân sự vượt xa so với 5 quốc gia ở hạ lưu; thứ hai, Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong và thứ ba, Trung Quốc có ý chí, có quyết tâm, có thực lực trong việc khai thác các nguồn lợi từ Mekong.
Tôi cho rằng con đường tốt nhất là đi đến thỏa thuận. Nếu không, trong việc này, Việt Nam sẽ đơn độc. Sẽ không nước nào từ chối lợi ích kinh tế, chính trị của nước mình nếu những lợi ích đó được mang lại từ việc xây đập thủy điện trên sông Mekong. Do đó, để giải quyết việc đại sự này, cần phải có một chiến lược dài hơi chừng 30 - 50 năm. Việt Nam cần thiết kế quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc cần Việt Nam hậu thuẫn để phát triển, ổn định hòa bình trong khu vực Asean trong 20 năm tới.
Thái Lan cũng cần Việt Nam ủng hộ khi nước này đang muốn phất ngọn cờ trở thành nước đứng đầu Asean. Việt Nam cũng cần thiết xây dựng chiến lược thắt chặt hợp tác với Lào, có thể bằng cách cho nước này tiếp cận với đường bờ biển để phát triển công nghiệp nhẹ…
Thủy điện dòng chính Mekong trước hết là vấn đề của 5 quốc gia thuộc Asean lục địa và Trung Quốc, đồng thời là vấn đề của khu vực và liên quan đến xu thế chung của thế giới là hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Do đó, các bên liên quan có thể và cần phải tận dụng các kênh song phương, đa phương và quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thuỷ điện dòng chính Mekong.
Mekong có lượng chảy đứng thứ 10 thế giới. Vậy nguyên nhân vì đâu cuộc đấu tranh xung quanh các dự án thuỷ điện trên dòng sông này lại được xếp đầu bảng so với tất cả các cuộc tranh giành lợi ích quanh các dòng sông trên thế giới?
Tôi cho rằng các nước tiểu vùng sông Mekong hiện thiếu một thiết chế pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế phát sinh từ thuỷ điện dòng chính. Các quốc gia này, kể cả Trung Quốc, là những quốc gia đang phát triển, chưa đạt đến trình độ tư bản công nghiệp phát triển nên hợp tác với nhau rất khó khăn.
Tranh chấp nguồn lợi từ các dòng sông cũng tồn tại ở các nước Tây Âu. Nhưng ở đó các quốc gia đã có trình độ phát triển cao, bắt đầu bước vào thời đại hậu công nghiệp kỹ thuật số. Do đó họ có thể thu xếp ổn thoả các tranh chấp, không để xảy ra căng thẳng, xung đột.
Ngoài những thiệt hại về kinh tế, sẽ có biến động nào xảy ra nếu các đập thủy điện tiếp tục được xây trên dòng Mekong?
Sẽ hình thành di dân tự do xuyên biên giới và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở lưu vực sông Mekong từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Hiện tượng này đã từng có trong lịch sử, hiện nay vẫn hiện hữu.
Các đập thuỷ điện dòng chính Mekong sẽ là tác nhân thúc đẩy việc dân tự do xuyên biên giới và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia phát triển về quy mô, tính chất và hậu quả, thậm chí có thể làm mất ổn định chính trị - xã hội cục bộ.
Cảm ơn PGS.
Mỹ Hằng