13 năm trước, bà Hương (54 tuổi, Phú Yên) từng được mổ lấy sỏi thận ở Bệnh viện Quân y C13. Mới đây, bà lại trải qua phẫu thuật lấy sỏi thận tại Bệnh viện đa khoa Bình Định. Lần này, các bác sĩ lấy ra từ thận của bà viên sỏi được gọi là san hô bán phần, gồm một khối sỏi đa nhánh và nhiều viên sỏi nhỏ khớp với nhau.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Khả, Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, người mắc bệnh sỏi thận thường do làm việc nặng nhưng ít uống nước hoặc uống không đều đặn; người dân sống ở vùng có nguồn nước cứng. Biểu hiện của bệnh nhân bị sỏi san hô thường đau lưng, sốt, tiểu ra máu, đau, bí tiểu... Sỏi lấp đầy các đài bể thận gây ứ nước, dễ dẫn đến nhiễm trùng niệu, phá hủy dần nhu mô thận. Tình trạng tái phát bệnh sau mổ lấy sỏi thận cũng thường xảy ra.
So với sỏi thận thông thường, phẫu thuật lấy sỏi san hô phức tạp và khó khăn hơn nhiều. Với trường hợp bệnh nhân Hương, phẫu thuật viên phải mở bể nhu mô đài thận dưới, kết hợp mở nhỏ ở nhu mô đài thận ở vị trí mỏng nhất. Để lấy hết sỏi, bác sĩ phải cắt các nhánh của viên sỏi cắm vào các đài thận. Trong khi đó, với sỏi bình thường phẫu thuật không cần mở nhu mô, chỉ cần mở bể thận.
Bác sĩ Khả cho biết, sỏi thận san hô là loại sỏi phức tạp hiếm gặp, hình thành trong nhiều năm dài, chiếm hết đài bể thận.