Xét xử vụ chạy thận ở Hòa Bình

Viện kiểm sát muốn trả hồ sơ, điều tra bổ sung

TP - Đúng 1 năm sau ngày sự cố y khoa khiến 9 người chết xảy ra, gia đình các nạn nhân mong tòa tuyên bản án khách quan để an ủi người quá cố. Ngược lại, kiểm sát viên đề nghị trả hồ sơ vì vụ án có dấu hiệu hợp lý hóa tài liệu.
Các bị cáo tại tòa.

Tròn 1 năm ngày mất

Ngày 29/5 cũng là ngày giỗ đầu của 7 trong 9 nạn nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Còn lại, 1 người khác mất ngày 4/6/2017 và 1 người mất đầu năm 2018 - chết sau khi chạy chữa khắp nơi trong vô vọng theo lời người nhà kể. Trước TAND TP Hòa Bình, tất cả gia đình các nạn nhân đều mong mỏi sớm có được bản án khách quan, không oan sai để an ủi hương hồn người quá cố.

“Buổi sáng hôm ấy cháu vẫn còn kể cho mẹ nghe về chuyến đi du lịch nước ngoài. Cháu đi du lịch nước ngoài về tới nhà lúc 2h sáng hôm đó, 7h cháu tranh thủ đi chạy thận và còn hẹn mẹ “trưa về con kể tiếp” nhưng cháu đi mãi không thấy về. Ai bù đắp được nỗi đau cho gia đình tôi?”. Đây là câu chuyện của ông Đinh Công Tính - bố nạn nhân Đinh Thị Hằng.

“Họ chết một cách oan ức, họ bị bệnh nhưng không phải chết vì bệnh. Họ chết dưới mũi kim truyền lọc máu của BV Hòa Bình… Chúng tôi đã nén nỗi đau, kìm chế bức xúc để không gây mất trật tự, để các bác sĩ tiếp tục cứu các bệnh nhân khác. Điều khiến cho các nạn nhân bức xúc là 3 tháng đầu từ ngày xảy ra sự cố, Ban lãnh đạo bệnh viện, đứng đầu là giám đốc Trương Quý Dương không có một lời chia sẻ, động viên hay xin lỗi… chúng tôi cảm giác họ coi 8 nạn nhân tử vong như 8 con gà con vịt” - lời ông Tính.

Người đàn ông tiếp lời: “Họ không đồng cảm, không thông cảm… Nếu có động viên kịp thời, kể cả lời nói thôi thì nỗi đau xót của chúng tôi phần nào nguôi đi nhưng càng đầy ắp những bức xúc trong các gia đình tôi vì cách đối xử của bệnh viện. Chúng tôi đã giải trình tất cả những việc  mua bán nhưng cuối cùng họ lại đòi chúng tôi xuất trình hóa đơn đỏ. Thử hỏi từ cổ chí kim, có chỗ nào có hóa đơn đỏ cho đám ma không?”.

Một phụ nữ khác - vợ của nạn nhân Bùi Văn Chính kể: “Chồng tôi vẫn khỏe mạnh, làm bảo vệ ở đây nên tự đi chạy thận, không cần ai chăm sóc. Sáng hôm đó cuối tuần, tôi ở quê lên chơi và cùng vào viện cho ông ấy chạy thận. Được một lát, thấy ông ấy kêu khó thở, tôi nghĩ như mọi lần nên động viên nhưng họ chuyển ông lên phòng hồi sức. Tôi không được vào mà cũng không biết chồng mình chết lúc nào. Đến 4h sáng (30/5), bệnh viện cho tôi đưa ông ấy về mai táng”.

Những tranh cãi kịch liệt

Không chỉ có mâu thuẫn trong đền bù giữa gia đình các nạn nhân và bệnh viện, phiên tòa xử 3 bị cáo gây sự cố y khoa còn chứng kiến những tranh cãi kịch liệt, gay gắt của các luật sư, thậm chí của các luật sư bào chữa cho những bị cáo không đối lập quyền lợi. Ngay phần xét hỏi, chủ tọa đã yêu cầu công an “mời” luật sư Trần Vũ Hải - bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc ra khỏi phòng xử vì không tuân thủ nội quy. Ngay sau đó, luật sư Lê Văn Thiệp - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cũng đề nghị chủ tọa yêu cầu luật sư Hải ra ngoài vì quá mất trật tự.

Đến phần tranh luận, luật sư Nguyễn Danh Huế - bảo vệ cho BV Hòa Bình yêu cầu tòa khởi tố giám đốc Cty Thiên Sơn; làm rõ nghi vấn về việc thông thầu; lợi ích nhóm trong chạy thận… Đáp lại, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - bảo vệ Cty Thiên Sơn cho rằng những căn cứ của ông Huế nêu ra là vô lý. Bà Hương nhìn sang ông Huế, nói: “Biết thì hãy nói, không biết rõ ngọn ngành thì đừng nói”.

Về việc ông Huế đề nghị “xử lý” ông Trương Quý Dương nguyên Giám đốc BV Hòa Bình, luật sư Hương nói: “Tình đồng nghiệp của các vị thế nào? Không biết yêu cầu này có đại diện cho 700 con người của bệnh viện nhưng nếu có, tôi thật sự đau lòng”. Đáp lại, ông Huế cho rằng bà Hương không có mặt tại tòa khi ông phát biểu, chủ tọa cần ngắt phần nói của bà vì: “Không biết gì, chỉ nói luyên thuyên”. Luật sư của BV Hòa Bình khẳng định, chỉ đề nghị tòa tuyên ông Dương phải bồi thường thay bệnh viện trong trường hợp xác định bệnh viện có lỗi, phải bồi thường.

Trợ giúp viên pháp lý của tỉnh Hòa Bình cũng bị luật sư Trần Hồng Phúc - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương phản ứng gay gắt khi đề nghị tòa tuyên trả hồ sơ phần hình sự nhưng tuyên án phần dân sự. Bà Phúc cho rằng đây là một vụ án hình sự có phần dân sự, không thể tách ra. Nữ luật sư quát to trong phiên xử: “Không có lý thuyết, không có trường học nào đi dạy dỗ như vậy”.

“Phải biết chất lượng nước bơm vào người bệnh”

Sau 4 ngày các luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương trình bày quan điểm, kiểm sát viên được phép đối đáp lại. Theo người giữ quyền công tố, bị cáo Hoàng Công Lương và những người liên quan từng khai, Lương được giao phụ trách chuyên môn tại Đơn nguyên thận nhân tạo. Việc những người này thay đổi lời khai tại tòa, nói bị cáo Lương không được giao nhiệm vụ là chưa đúng nên sẽ không áp dụng quy tắc suy đoán vô tội.

Hành vi của Hoàng Công Lương cũng được làm rõ tại tòa. Cụ thể, ngày 29/4/2017, bị cáo ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO 2 dùng cho chạy thận… Ngày 29/5/2017, bị cáo chỉ nghe điều dưỡng thông báo đã sửa xong nhưng ra lệnh chạy thận gây chết người. Kiểm sát viên khẳng định, bị cáo Lương buộc phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng bởi quy trình kỹ thuật lọc máu gồm 8 bước, trong đó bước 1 là kiểm tra máy trong tình trạng vô trùng.

Ngoài ra, bị cáo Lương chỉ có vai trò phụ trách chuyên môn nhưng đã tự ý ra y lệnh khi chưa xin ý kiến của trưởng khoa nên phải chịu trách nhiệm. Các nạn nhân hôm xảy ra sự cố chỉ lọc máu chu kỳ, không phải lọc máu cấp cứu nên phía công tố cũng loại trừ tình huống cấp thiết.

Kiểm sát viên đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án.

Đề nghị trả hồ sơ

Tiếp đến, kiểm sát viên cho rằng quá trình xét xử đã xuất hiện nhiều chứng cứ, tình tiết mới như vi bằng về băng ghi âm giữa ông Hoàng Công Tình - Phó khoa (chú ruột bị cáo Lương) và ông Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng, cùng ở khoa Hồi sức tích cực. Đoạn ghi âm thể hiện ông Công viết thêm nội dung phân công bị cáo Lương vào sổ giao ban các năm 2015 - 2016 sau khi sự cố xảy ra.

Đại diện VKSND nhận thấy, vụ án có dấu hiệu của việc hợp lý hóa tài liệu; cần làm rõ việc có hay không các cán bộ tại BV Hòa Bình đã đối phó với cơ quan điều tra hoặc đổ trách nhiệm cho bị cáo Hoàng Công Lương. Ngoài ra, 2 công văn của Bộ Y tế gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Lương) dù trả lời 1 vấn đề nhưng có sự mâu thuẫn, gây hiểu nhầm ảnh hưởng tới việc xác định tội danh.

“Qua trả lời của ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, kiểm sát viên thấy ông Quang không nắm được nội dung này. Vì vậy, cần xem xét mâu thuẫn giữa hai công văn trên… VKSND xác định đây là các tình tiết mới cần điều tra bổ sung. Do vậy đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án” - người giữ quyền công tố nói.

Hôm nay (30/5), tòa tiếp tục làm việc.

Đại diện VKSND nhận thấy, vụ án có dấu hiệu của việc hợp lý hóa tài liệu; cần làm ro việc có hay không các cán bộ tại BV Hòa Bình đã đối phó với cơ quan điều tra hoặc đổ trách nhiệm cho bị cáo Hoàng Công Lương. Ngoài ra, 2 công văn của Bộ Y tế gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình và Văn phòng Luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bị cáo Lương) dù trả lời 1 vấn đề nhưng có sự mâu thuẫn, gây hiểu nhầm ảnh hưởng tới việc xác định tội danh.

Nội dung vụ án cho thấy, Cty Thiên Sơn và BV Hòa Bình đã hợp tác kinh doanh chạy thận từ năm 2010. Ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương ký hợp đồng với Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận nhưng Cty này “bán lại” hợp đồng cho Cty Trâm Anh - nơi bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc. Ngày 28/5/2017, Quốc để tồn dư axit khi sửa chữa hệ thống RO. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương ra lệnh chạy thận khiến 9 người tử vong.