Hé lộ công việc thời hậu chiến
Tính đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Đức Soát có lẽ là vị tướng duy nhất, khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường.
Đây cũng chính là nguyên nhân để vào năm 1994, cấp trên giao cho ông nhiệm vụ sang Liên Bang Nga “bay trên máy bay chiến đấu loại khác”. Nói thêm là trong chiến tranh, trung tướng Nguyễn Đức Soát chủ yếu bay MIG-21, hòa bình lập lại ông mới chuyển sang bay máy bay tiêm kích bom SU – 22 M4 có cánh cụp cánh xòe.
Việc phân ông sang Nga cũng được xác định rõ ràng: tìm hiểu xem loại máy bay nào trong trang bị của họ phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo hiện nay để tìm cách mua về vì lúc này Nga không viện trợ quân sự cho ta nữa.
Câu chuyện đàm phán và ký kết hợp đồng mua máy bay chiến đấu không đơn giản như những hợp đồng thương mại khác. Trong câu chuyện mở đầu, khi biết Nguyễn Đức Soát từng bắn rơi nhiều máy bay F-4 của Mỹ khi lái MIG-21, Tổng công trình sư của Công ty Xuất khẩu Vũ khí Nga đã đề nghị ông so sánh tính năng của MIG-21 với máy bay F-4.
“Tôi biết, là những nhà thiết kế, họ hoàn toàn hiểu được tính ưu việt của từng loại máy bay, song, sau khi nghe tôi nói xong, họ đánh giá rất cao trình độ của các phi công Việt Nam, đặc biệt là đã biết khai thác tối đa thế mạnh của MIG-21 nên mới thắng được F-4”, trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.
Nhờ những hiểu biết về máy bay và các mối quan hệ cũ khi học bay ở Liên Xô, Trung tướng Nguyễn Đức Soát và đoàn cán bộ Việt Nam khi ấy đã có một quyết định “mang tầm chiến lược” khi chọn mua máy bay SU-27 thay vì MIG-29 như dự định ban đầu.
“Có hai yếu tố để quyết định Việt Nam nên chọn mua SU-27 đó là: với nhiệm vụ bảo vệ các đảo xa như vậy, tầm bay của SU-27 đạt đến 3.200km, bán kính hoạt động hơn 1.000km (xa hơn MIG-29 rất nhiều), và thứ hai, khi đã sở hữu SU-27, sau này có điều kiện mua các máy bay “họ SU” tiên tiến hơn sẽ rất thuận lợi cho khai thác và đỡ tốn mua các trang thiết bị bảo đảm trên mặt đất”, tướng Soát cho biết.
Quyết định đúng đắn này đã được chứng thực vào 10 năm sau, khi không quân Việt Nam đã có máy bay SU-30 MK, người anh em của chiếc SU-27 huyền thoại.
Những câu chuyện bí ẩn trên bầu trời
Cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, huyền thoại phi công tiêm kích, là một hành trình trọn vẹn qua những bầu trời của chiến tranh và hòa bình. Từ việc xuất bản cuốn Nhật ký phi công tiêm kích cách đây bốn năm, đến tác phẩm mới nhất Bầu trời trường đại học của tôi, ông đang tiếp tục viết nên những trang sử đầy cảm hứng.
Không chỉ là những ký ức sống động từ buồng lái MIG-21, SU-22 hay SU-27… cuốn sách còn khắc họa tinh thần hòa giải hậu chiến. Qua những trang viết, người đọc chứng kiến sự hòa hợp kỳ diệu giữa các phi công Mỹ và Việt Nam, những người từng đối đầu trên chiến trường nhưng nay cùng chia sẻ niềm đam mê bay lượn.
Đại tá, AHLLVTND Lê Thanh Đạo, người đồng đội gắn bó với Nguyễn Đức Soát 9 năm, suốt từ năm 1965 đến năm 1974, cho biết: “Hồi đó, tình yêu lớn nhất chúng tôi đã dành cho bầu trời. Thậm chí có thể bỏ người yêu, bỏ vợ, nhưng không thể từ bỏ bầu trời, từ bỏ trọng trách lái máy bay chiến đấu”.
Giới thiệu về cuốn sách thứ hai của phi công Nguyễn Đức Soát, nhà thơ Hữu Việt cho rằng: “Kể câu chuyện của mình, nhưng tướng Soát “ẩn thân” tối đa, dành những trang viết hay nhất ngợi ca đồng đội, tri ân những người chỉ huy tài giỏi mà ông vô cùng khâm phục, bởi ông quan niệm rằng, chính họ là những người tác thành tình yêu bầu trời của ông được trọn vẹn.
Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái tôi tác giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm”.
Nhật ký phi công tiêm kích và Bầu trời trường đại học của tôi không phải là những cuốn sách đầu tiên về phi công tiêm kích ở Việt Nam. Những năm gần đây, các cuốn sách về đề tài này từ chính những người trong cuộc như cuốn hồi ký Lính bay của Trung tướng, AHLLVTND Phạm Phú Thái, cuốn Không chiến của Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Nghĩa đã phần nào hé lộ bí ẩn của những chuyến bay và những đóng góp của các thế hệ phi công chiến đấu trong việc bảo vệ vùng trời Tổ quốc, góp phần quan trọng chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ Thủ đô, bảo vệ miền Bắc và cùng làm nên chiến thắng vang dội của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
Bầu trời trường đại học của tôi là cuốn sách thứ hai của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nối tiếp thành công của Phi công tiêm kích, một hiện tượng xuất bản. Ấn tượng với hai tác phẩm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã trích dẫn: "Nếu không yêu mặt đất/Trên trời mây không bay...", như một lời khẳng định về tình yêu sâu sắc với bầu trời và quê hương trong các trang viết của tướng Soát, đồng thời chính thức mời ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông từng là phi công lái máy bay MIG-21 xuất sắc, bắn rơi 6 máy bay Mỹ trong những tình huống không tưởng và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27.
Trong đời bay của mình tướng Soát đã chinh phục tất cả các biến thể của tiêm kích MIG-21, tiêm kích bom SU-22M4, tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư SU-27. Ông từng bay trên chiếc LAVI của không quân Israel (một phiên bản mới của máy bay F-16 của Mỹ) cùng với phi công Do Thái… Có lẽ hiếm phi công nào đã bay được và được bay nhiều loại máy bay như thế.