Vì sự sống xin hãy trả lại bình oxy

TPO - Nhiều gia đình không mắc COVID-19 nhưng muốn giữ bình oxy tại nhà, một số bệnh nhân đã được cấp oxy kịp thời, vượt qua nguy kịch nhưng cũng “ôm” luôn bình không chịu trả lại. Các đơn vị cung cấp oxy miễn phí đang đối mặt với khủng hoảng thiếu bình chứa.

Nhà nhà trữ oxy

Từ khi đợt bùng phát dịch lần thứ tư diễn ra trên địa bàn TPHCM đến nay, “làn sóng” người người trữ oxy, nhà nhà trữ oxy đang tạo ra cơn sốt oxy y tế. Trên mạng xã hội, hoạt động rao báo oxy diễn ra tấp nập, những bình oxy loại nhỏ có dung tích chứa rất ít từ 2 lít đến 8 lít được bán đắt “như tôm tươi” với mức giá từ 500.000 đến hơn 2 triệu đồng.

Oxy đang là thứ quý hơn vàng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đe dọa sinh mạng cộng đồng.

Cho rằng việc trữ oxy có thể là giải pháp cứu nguy trong tình huống không may mắc COVID-19, ông Nguyễn Đức An - ngụ tại quận 7 đã mua cùng lúc 4 bình loại 2,5 lít để trữ trong nhà. Tuy nhiên, đến nay gia đình ông may mắn chưa có ai nhiễm bệnh nên không dùng tới. Chứng kiến cảnh nhiều người tử vong vì không được cấp kịp oxy, ông bùi ngùi chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ ích kỷ cho bản thân và gia đình nên mới mua trữ sẵn, giờ thấy nhiều người cần mà không có dẫn tới nguy kịch hoặc tử vong mới thấy giá như mình không mua trữ thì có thể lượng oxy đang bỏ hao phí trong góc nhà của mình đã cứu được mạng người khác”.

F0 cách ly y tế ngoài cộng đồng nếu được cung cấp oxy kịp thời sẽ có cơ hội vượt qua nguy kịch.

Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tiếp có những thông tin “cầu cứu” xin trả lại bình oxy. Anh Lâm Trần, ngụ tại quận 7, TPHCM cho biết: “Bạn tôi là những tình nguyện viên của nhóm Oxy Sài Gòn. Hơn cả tháng nay nhóm bạn oxy bất kể ngày đêm, trời mưa hay nắng vẫn mặc bộ đồ bảo hộ chạy khắp Sài Gòn mỗi khi có gia đình F0 gọi là có mặt. Họ đã mang bình oxy đến và cứu sống không biết bao nhiêu người đang đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết”.

Các tình nguyện viên đang chạy đua với thời gian để tiếp ứng kịp thời oxy, giữ lại sinh mạng cho F0.

Tuy nhiên anh Lâm Trần nói sáng 21/8 nhóm bạn kể có nhiều người khi đã cứu sống không chỉ ngoảnh mặt làm ngơ mà còn giữ luôn cả bình oxy. “Lâu nay đi trao 500 bình nhưng giờ lấy lại được 100 bình. Có người mượn đòi không trả”- anh kể. Một bạn trong nhóm Oxy Sài Gòn chia sẻ: "Nhóm khi mang oxy đều không dám bảo người dân đặt cọc vỏ bình vì sợ người ta bảo làm từ thiện mà này nọ nên không đành. Mà thú thật lúc thấy người ta thập tử nhất sinh, gia đình bối rối ai nghĩ đến chuyện cọc cái vỏ bình”.

Nguy cơ khủng hoảng thiếu vỏ bình oxy

Trước tình hình trên, sáng 21/8, phóng viên Báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên UBTW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện đang là Giám đốc triển khai chương trình ATM-oxy giúp người bệnh ở Sài Gòn. Ông Tuấn Anh cho biết: “Ban đầu, chúng tôi triển khai 90 bình oxy loại 8 lít để lập các trạm ở các Quận Đoàn nhưng đến nay đã phải tăng lên 1.500 bình và dự kiến sẽ nâng lên 5.000 bình trong thời gian tới”.

Ông Hoàng Tuấn Anh đang trực tiếp lăn sả trong chiến dịch ATM-oxy giúp người bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tuấn Anh, trong số 1.500 bình đã cho mượn, hiện chúng tôi chỉ nhận lại được khoảng 500 bình, số còn lại đang bị kẹt trong cộng đồng. "Một phần trong số lượng trên do người bệnh đang sử dụng nhưng có những người được mượn đã qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt không cần dùng tới oxy nữa nhưng họ không chịu trả bình khiến công tác điều phối cho F0 đang cần oxy gặp rất nhiều khó khăn. Với lượng vỏ bình để trung chuyển nạp oxy mới còn lại mỗi ngày chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ được cho 200 đến 300 bệnh nhân. Nhiều ca bệnh nặng cần oxy nhưng chúng tôi không còn để hỗ trợ cứu chữa” – ông Tuấn Anh nói.

Rất nhiều F0 trong cộng đồng đang cần tiếp ứng oxy để duy trì sự sống.

Tương tự, BS Võ Xuân Sơn, người đang trực tiếp điều hành hoạt động thiện nguyện “oxy cho sự sống” ở số 22 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, cho biết, đang triển khai cho người bệnh mượn 400 bình và tiếp tục triển khai thêm 300 bình. Đây là chương trình nhằm cung cấp oxy, hướng dẫn sử dụng miễn phí, không thế chấp cho người F0 trở nặng đang cách ly tại nhà. "Thực tế, chương trình oxy cho sự sống đang phải chấp nhận sẽ mất một số bình vì trong tất cả những người mượn sẽ có người không trả. Mặt khác, có một số đối tượng lợi dụng lòng tốt của hoạt động thiện nguyện chiếm đoạt bình oxy rồi mang đi bán lại cho bệnh nhân” - bác sĩ Sơn nói.

Cuộc chiến với dịch bệnh rất cần sự chia sẻ của cả cộng đồng, mọi người không nên giữ bình oxy làm của riêng.

Cả BS Võ Xuân Sơn và ông Hoàng Tuấn Anh đều có chung khẳng định, việc mua bình oxy hiện nay rất khó khăn, có tiền cũng không thể mua được vì nguồn cung tại TPHCM và các tỉnh thành gần như đã cạn kiệt. Hiện nay, số lượng F0 tại nhà đang cần hỗ trợ oxy rất lớn, nếu mỗi gia đình đều giữ bình oxy không chịu trả sau khi mượn để sử dụng thì số lượng bình oxy hiện có tại thành phố chỉ như “muối bỏ biển”. Thành phố sẽ rơi vào khủng hoảng thiếu vỏ bình oxy nếu cộng đồng không nâng cao ý thức và tinh thần chia sẻ vì mọi người.

Người sáng lập ATM-oxy kêu gọi cộng đồng hãy trả lại vỏ bình oxy vì sự sống của người khác.

“Vì sự sống của mọi người, tôi kêu gọi tất cả bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi bệnh hoặc sức khỏe đã ổn định không cần dùng đến bình oxy hãy trả lại vỏ bình để cứu giúp cho những người bệnh đang nguy kịch. Khi quý cô bác, anh chị khó khăn và tuyệt vọng nhất, chương trình đã kịp thời hỗ trợ nay sức khỏe ổn định hãy nhường lại cho những người cần cấp cứu. Mỗi vỏ bình mà mọi người đang giữ có thể cướp đi sự sống của nhiều người khác. Hãy nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm chia sẻ sự sống vì an toàn chung của cả cộng đồng để chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch” – ông Hoàng Tuấn Anh nói.