Vì sao vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ chưa được 'nắm quyền'

Tranh chấp quyền điều hành tại cà phê hòa tan Trung Nguyên chưa đến hồi kết khi Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đưa ra quyết định cho thấy quyền điều hành vẫn đang thuộc về ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Tranh chấp quyền điều hành cà phê hòa tan Trung Nguyên giữa hai vợ chồng ông Vũ đã diễn ra hơn một năm nay.

Ngày 13/7, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 300 về việc hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên. 

Theo đó, từ ngày 13/7 ông Vũ đã không còn là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên và khôi phục tư cách đại diện theo pháp luật của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Vũ) từ ngày ban hành quyết định này.

Tuy nhiên sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã có đơn khởi kiện hành chính lên Tòa án nhân dân Tỉnh Bình Dương để yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư Bình Dương hủy Quyết định 300 và được tòa hành chính Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thụ lý.

Ngày 22/7/2016, Thẩm phán Trần Thị Nhàn đã ký Quyết định số 01/2016 về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ thi hành toàn bộ Quyết định số 300 của Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch đầu tư Bình Dương. Như vậy, việc chuyển giao quyền đại diện pháp luật từ ông Vũ sang bà Thảo tới nay vẫn chưa được thực thi.

Phản bác lại quyết định của tòa án, ngày 25/7 bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn khiếu nại lên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương và cho rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ thi hành toàn bộ Quyết định số 300 của Thẩm phán Nhàn còn nhiều điểm chưa rõ.

Cụ thể, thứ nhất, Điều 69 Luật Tố tụng hành chính hướng dẫn chi tiết Khoản 1, Điều 68 Luật Tố tụng hành chính như sau: “Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục”.

Thứ hai, trên thực tế, việc thay đổi người đại diện của pháp luật là việc rất bình thường, thường xuyên xảy ra và không làm ảnh hưởng, gây thiệt hại đến doanh nghiệp đó. Việc này được ví như việc thay đổi nhân sự cấp cao. Do đó, việc hủy bỏ người đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và phục hồi tư cách đại diện theo pháp luật của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đối với Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên không là lý do gây ra thiệt hại cho công ty này.

Ngay sau đơn khiếu nại của bà Thảo, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa ra quyết định 152 ngày 29/7 do bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Phó chánh án Tòa án tỉnh Bình Dương ký. Quyết định này nêu rõ không chấp nhận yêu cầu khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2016 với lý do trong thời gian bà Thảo giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên, bà Thảo đã ban hành một số văn bản làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thiệt hại cho doanh nghiệp.

Không hài lòng với quyết định trên, bà Thảo vẫn tiếp tục phản bác và cho rằng, việc hủy bỏ tư cách người đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và phục hồi tư cách đại diện theo pháp luật của bà đối với Cà phê hòa tan Trung Nguyên là việc nội bộ của công ty, nếu gây thiệt hại cho chính công ty này thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm định chỉ Quyết định 300 mới được cho là phù hợp.

Tuy nhiên, Tòa án Bình Dương lại viện dẫn việc hủy bỏ tư cách người đại diện theo pháp luật của ông Vũ và phục hồi tư cách đại diện theo pháp luật của bà Thảo đối với Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên là vô lý, trái với tinh thần của Điều 69 Luật Tố tụng hành chính. Vì Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên là hai pháp nhân độc lập, hoàn toàn tách biệt nhau về tài sản và quản trị...

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Điều lệ Công ty cổ phần Cà phê hoà tan Trung Nguyên quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) có quy định: “Giám đốc (Tổng giám đốc) công ty không được đồng thời làm Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) của doanh nghiệp khác”. Đối chiếu với quy định trên, bà Thảo cho rằng, tại thời điểm họp Hội đồng quản trị, đăng ký kinh doanh thay đổi lần 8 cũng như hiện tại, cá nhân ông Đặng lê Nguyên Vũ đang làm Tổng giám đốc tại các doanh nghiệp khác bao gồm Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên; Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên; Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê... Như vậy, vị này cho rằng việc ông Vũ làm Tổng giám đốc tại Cà phê hoà tan Trung Nguyên là vi phạm Điều 29 của Điều lệ Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Trong thời gian từ ngày 13/7/2016 đến 21/7/2016, theo Quyết định 300, bà Thảo là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên, nhưng thực tế các giao dịch, giấy tờ phát sinh của công ty trong giai đoạn này vẫn dưới tên người khác. Vì vậy, vấn đề này được đánh giá sẽ dẫn đến thiệt hại cho công ty (dự tính lên tới 50 tỷ đồng) và các đối tác.

Vụ việc tranh chấp quyền kiểm soát Cà phê hòa tan Trung Nguyên kéo dài từ cuối năm ngoái khi Trung Nguyên thông báo việc tạm dừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Tuy nhiên, sau đó bà Lê Hoàng Diệp Thảo có văn bản gửi các đối tác, cơ quan quản lý cho biết, nguyên nhân chính là đang có sự tranh chấp giữa 2 vợ chồng bà. Theo bà, trong thời gian chờ tòa án giải quyết việc ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên đối với bà Thảo.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là “không đảm bảo tính pháp lý" bởi Hội đồng quản trị công ty có 3 thành viên. Tuy nhiên, các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên chỉ có một mình ông Vũ họp và tự ra quyết định.

Theo Theo Vnexpress