Vì sao vi phạm đất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội tràn lan, lưu cữu?

TPO - Tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai (Hà Nội) hiện có rất nhiều công trình nhà ở, lán xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp, tồn tại từ nhiều năm nay chưa được xử lý.
Một công trình bị UBND xã Phượng Cách lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ

Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng vi phạm

Khu vực đường đê Phượng Cách, trại Thổ Cải, hồ Yên Sơn thuộc địa bàn xã Phượng Cách có hàng chục công trình nhà ở, lán xưởng hoàn thiện nhiều năm nay, được xác định là xây dựng trên đất nông nghiệp. Theo quan sát của PV, hai bên con đường bê tông rộng khoảng 5m chạy từ chân đê ra vùng bãi, nhiều nhà cấp bốn lợp tôn, nhà xây 2, 3 tầng mọc san sát, hình thành một quần thể làng xã. Ngoài ra còn có 3 nhà xưởng tái chế nhựa, hấp nhuộm quần áo đang xả khói, gây ô nhiễm môi trường và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.

Nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp tại Quốc Oai, gây ô nhiễm môi trường

Một người dân địa phương xin giấu tên chia sẻ, tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở Phượng Cách manh nha từ năm 2000, ban đầu chỉ lác đác vài gian nhà cấp bốn tạm bợ, diện tích nhỏ. Từ năm 2006 xã được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt dự án chuyển đổi vùng bãi thành chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thoát nước, trạm điện) càng xuất hiện nhiều công trình sai phạm.

“Việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp là sai, nhưng vì đất đai chật hẹp, cần nơi sinh sống bảo vệ vật nuôi nên chúng tôi không còn cách nào khác. Cái sai của người dân chúng tôi đã để lại hệ lụy xấu cho cả xã.” người dân nói.

Chính quyền nhận trách nhiệm nhưng vẫn không thể xử lý

Ông Nguyễn Đắc Hải - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Phượng Cách cho hay, quá trình chuyển đổi mô hình chăn nuôi tập trung giúp kinh tế hộ gia đình được cải thiện. Theo quy định, tại khu chăn nuôi tập trung mỗi hộ đươc xây dưới 20 m2 nhà tạm làm kho chứa thức ăn và nơi bảo vệ tài sản. Lợi dụng điều này, nhiều hộ dân xây dựng quá diện tích cho phép. Ban đầu họ chỉ quây gạch, lợp tôn, dần dần lợi dụng ngày nghỉ, lễ tết để kiên cố hóa. Ngoài ra một số hộ dân còn tự ý xây dựng xưởng để làm kho bãi tập kết hàng, tái chế nhựa.

Ông Hải thừa nhận, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng một phần đến từ sự buông lỏng quản lý từ chính quyền địa phương các nhiệm kỳ trước. Thời điểm năm 2014 đến nay - không còn phát sinh vi phạm mới. UBND xã phối hợp với thanh tra xây dựng huyện Quốc Oai thường xuyên kiểm tra và đã xử lý hàng chục công trình ngay khi bắt đầu vi phạm. Hiện tại xã tiếp tục báo cáo, đề xuất UBND huyện phương án phù hợp. Với 3 nhà xưởng tái chế phế liệu và hấp nhuộm quần áo từng bước cương quyết đình chỉ không để sản xuất để bảo vệ sức khỏe của người dân.

“UBND xã thực hiện đầy đủ quy trình, thậm chí thành lập ban chỉ đạo xử lý những tồn đọng trong vi phạm đất đai tại địa phương. Cái khó ở chỗ, những nhiệm kỳ trước, các trường hợp vi phạm đều chỉ bị xử lý kiểu phạt cho tồn tại, bây giờ rất khó xử lý. Hiện tại một số hộ dân có đơn thỉnh cầu đến cơ quan chức năng xem xét cho phép giữ nguyên các công trình xây quá quy định để yên tâm phát triển kinh tế, họ sẵn sàng nộp tiền chuyển đổi quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật”, ông Hải nói.

Xã Phượng Cách có tổng diện tích đất tự nhiên 265,47 ha trong đó đất ở nông thôn  là 27,91 ha. Số hộ là 1830 hộ với nhân khẩu 7002, thu nhập bình quân đat gần 50 triệu đồng/người/1 năm. Năm 2015, Phượng Cách đã đạt tiêu chí xã Nông thôn mới của huyện Quốc Oai.