Bắc Kinh lâu nay vẫn tránh tham gia vào xung đột của các nước khác, nhưng dường như đang cố gắng khẳng định mình là một quốc gia hoà giải toàn cầu sau khi tổ chức các cuộc đối thoại giữa Ả-rập Xê-út và Iran hồi tháng 3, giúp hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao sau 7 năm cắt đứt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky trong cuộc điện đàm rằng một đặc phái viên Trung Quốc, người từng là đại sứ tại Nga, sẽ thăm Ukraine và các nước khác để thảo luận về một giải pháp chính trị, thông cáo của Chính phủ Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc là nước lớn vẫn giữ quan hệ hữu nghị với Nga, đồng thời cũng có đòn bẩy kinh tế khi là khách hàng lớn nhất của dầu khí Nga, sau khi Mỹ và các đồng minh cắt đứt gần như hoàn toàn quan hệ với Nga.
Coi Mátxcơva là một đối tác để chống lại sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu, Bắc Kinh không chỉ trích Nga trong cuộc xung đột hiện nay và là một trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gạt đi những cuộc tấn công ngoại giao nhằm vào Mátxcơva.
Ông Zelensky trước đó đã khẳng định hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò hoà giải.
Theo giới quan sát, Trung Quốc đang muốn có vai trò lớn hơn trong ngoại giao toàn cầu, như một phần của nỗ lực khôi phục vị thế mà họ cho là nước này đáng có trên thế giới, và xây dựng một trật tự quốc tế thuận lợi cho các lợi ích của Bắc Kinh.
Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương nói với người đồng cấp Israel và Palestine rằng Bắc Kinh sẵn sàng tham gia hỗ trợ các cuộc đàm phán hoà bình.
Theo giới quan sát, thông cáo ngày 26/4 cảnh báo về mối nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, gợi ý rằng Bắc Kinh cũng có thể mong muốn hoà giải khi nhìn thấy nguy cơ xung đột diễn biến theo hướng huỷ diệt hơn.
Làm trung gian giữa Ukraine và Nga sẽ giúp gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Đông Âu, nơi Bắc Kinh lâu nay cố gắng xây dựng quan hệ tốt với các chính phủ khác.
Tuy nhiên, giáo sư ngành khoa học chính trị Kimberly Marten tại ĐH Columbia ở New York, nghi ngờ khả năng thành công của Trung Quốc trong vai trò hoà giải.
“Tôi thấy khó tin rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò kiến tạo hoà bình”, bà nói, cho biết lý do là Bắc Kinh “quá gần gũi với Mátxcơva”.
Quan hệ với Ukraine
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine trước khi xung đột nổ ra, dù nhỏ hơn nhiều so với quy mô thương mại Trung – Nga.
Năm 2021, Ukraine thông báo kế hoạch cho phép các công ty Trung Quốc xây dựng hạ tầng thương mại.
Chính phủ của Tổng thống Zelensky tỏ thái độ nước đôi hơn với Bắc Kinh sau khi nhìn thấy cách phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc xung đột, nhưng hai bên vẫn thân thiện.
“Trước khi xung đột xảy ra, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Ukraine. Tôi tin rằng cuộc trao đổi hôm nay sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc khôi phục, bảo tồn và phát triển động lực này ở tất cả các cấp”, thông báo chính thức của Ukraine về cuộc điện đàm cho biết.
Trong tháng này, ông Tần Cương khẳng định Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho cả hai bên, một lời cam kết có lợi cho Ukraine khi nước này đang nhận được xe tăng, tên lửa và những vũ khí khác từ Mỹ và Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã vừa khiến châu Âu nổi giận khi gợi ý rằng các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, nhóm bao gồm Ukraine, có thể không phải các quốc gia có chủ quyền.
Bắc Kinh sau đó cố gắng trấn an các nước từng thuộc Liên Xô cũ, rằng Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của họ và phát biểu của Đại sứ Lô chỉ là quan điểm cá nhân, không phải chính sách chính thức.
Elizabeth Wishnick, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Đông Á thuộc ĐH Colombia, nói với AP: “Tôi băn khoăn rằng có phải cuộc điện đàm của ông Tập đã được sắp xếp nhanh chóng để làm mờ tác động từ phát biểu của Đại sứ Trung Quốc”.