Ngày 21/10, tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chương trình BOTT giai đoạn 2002-2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 - 2032 trên địa bàn do UBND TPHCM tổ chức, đại diện Sở Công Thương TP cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có gần 11.000 điểm bán hàng BOTT, gồm hơn 4.200 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; gần 900 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; hơn 1.700 điểm bán sữa và gần 4.200 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, thành tựu, BOTT vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, việc đầu tư, phát triển sản xuất của DN chưa tạo được bước ngoặt về năng suất, chưa hình thành nhiều chuỗi cung ứng, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - lưu thông - phân phối - tiêu dùng.
Một số mặt hàng như đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm… có chi phí sản xuất còn cao, chưa ổn định, phụ thuộc diễn biến thị trường thế giới. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, dầu cọ, ngũ cốc... còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Một số nhóm hàng tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả… chưa được đầu tư mạnh về công nghệ chế biến sâu.
Nguyên nhân do thói quen tiêu dùng của người dân không ưa chuộng thực phẩm đã qua chế biến, đông lạnh, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển; đồng thời chưa có chính sách thúc đẩy của Nhà nước; hạ tầng thương mại ở một số khu vực quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp… chưa đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân.
“Hệ thống nhận diện thương hiệu của chương trình BOTT chưa gần gũi với người tiêu dùng, do đó chưa hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn hàng BOTT. Ngoài ra, hiện trạng logistics còn nhiều bất cập, hệ thống kho dự trữ phân tán, nhỏ lẻ, vận chuyển hàng hóa khu vực nội thành gặp nhiều khó khăn…” - đại diện Sở Công Thương nói.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - kiến nghị, để gia tăng tính hiệu quả của chương trình BOTT, DN kỳ vọng TPHCM phân luồng lại cho các kênh chợ truyền thống để chọn lọc, mở rộng thêm nhiều chợ đạt chuẩn tham gia vào kênh bán hàng BOTT.
“Các sở ngành cần hỗ trợ kết nối để tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, sản xuất đến chế biến, vận chuyển, phân phối… cùng tham gia và thống nhất cắt giảm một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với toàn chuỗi và người tiêu dùng. Có như vậy hiệu quả của chương trình bình ổn sẽ được nâng cao, tạo sự đột phá và được nhân rộng. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ nhận diện thương hiệu của chương trình, giúp người dân dễ dàng nhận diện và tin tưởng sử dụng” - bà Chi đề xuất.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng nhận định, chương trình BOTT của TPHCM đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, kiểm soát hiệu quả thị trường, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014, biến động giá trong giai đoạn dịch COVID-19 năm 2020-2021… Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.