Vì sao Nga hứa đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ?

TPO - Điện Kremlin vừa chính thức lên tiếng khẳng định rằng, khu vực phòng thủ tên lửa mà Mỹ mới thành lập ở Romania là một mối đe dọa trực tiếp với an ninh Nga. 
Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ ở Ba Lan
“Chúng tôi đã nói ngay từ khi chuyện này bắt đầu rằng, khu phòng thử tên lửa này là một mối đe dọa với Nga. Chúng tôi vẫn cần một câu trả lời thích đáng về vấn đề này. Những biện pháp đáp trả ở mức cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho Nga là điều sẽ được thực hiện”, phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho hay.

Lời phát ngôn của ông Peskov đến sau khi Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng, NATO không xây dựng khu chống tên lửa này nhằm vào Nga, trong khi Tổng thống Romania cũng khẳng định, đây là một hệ thống phòng thủ, không nhằm trực diện vào bất kì nước nào cũng không thể triển khai tấn công.

Trước đó, ngày 12/5, Mỹ đã kích hoạt lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD mà Washington nói là có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ nước này và châu Âu khỏi các quốc gia “khiêu khích”. Trong đó, một cơ sở phòng thủ tên lửa được đặt ở Romania, một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa lớn cho châu Âu. 

Vào ngày 13/5, Mỹ tiếp tục buổi lễ động thổ tại Redzikowo, Ba Lan, gần biển Baltic, nhằm lắp đặt hệ thống phòng chống tên lửa Aegis. Dự kiến, hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2018.

Mỹ cho hay hệ thống Aegis là lá chắn trên mặt đất để bảo vệ NATO khỏi các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nhất là từ Trung Đông. Nhiều năm qua, Mỹ cũng đã thử nghiệm hệ thống vũ khí này trên các tàu chiến.

Từ trái sang: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Romania Dacian Ciolos và thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work tại lễ công bố cơ sở phòng thủ tên lửa mới ở Deveselu, Romania. Ảnh: Reuters.

Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng đây là một mối đe dọa an ninh. Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo hệ thống trên vi phạm một hiệp ước về các lực lượng hạt nhân. 

"Quyết định này có hại và sai lầm vì nó có khả năng đe dọa sự ổn định chiến lược", ông Mikhail Ulyanov, người đứng đầu bộ phận chuyên trách về chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói.

Vấn đề tên lửa phòng không Mỹ tại châu Âu không còn là điều mới mẻ. Nga cho rằng, radar tầm xa của các hệ thống phòng không Aegis có thể do thám được không phận và hoạt động của máy bay Nga, ngoài ra, ống phóng kiểu thẳng đứng của nó được cho là có thể khai hỏa các tên lửa hành trình Tomahawk.

Nga đang cảm thấy không hài lòng trước những động thái bị coi là biểu dương sức mạnh của những bên từng là đối thủ trong thời Chiến tranh Lạnh tại khu vực Trung Âu. Nga cho rằng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đang tìm cách bao vây nước này bằng cách tiến gần tới khu vực Biển Đen chiến lược, nơi Nga có hạm đội hải quân hùng mạnh và cũng là nơi NATO đang cân nhắc tăng cường hoạt động tuần tra.

Việc kích hoạt hệ thống tên lửa nêu trên diễn ra trong bối cảnh NATO chuẩn bị triển khai lực lượng mới ở Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic, động thái được thực hiện sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Nhằm đáp trả NATO, Nga thông báo sẽ thành lập ba sư đoàn mới ở Quân khu phía Tây và Quân khu phía Nam của nước này.

Bất chấp những cam kết của Mỹ, Điện Kremlin cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa có mục đích vô hiệu hoá kho vũ khí hạt nhân của Nga đủ lâu để Mỹ có thể "tấn công phủ đầu" trước khi đối phương đáp trả trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Nguồn Vietnam+

Hệ thống phòng thủ tên lửa phụ thuộc vào các hệ thống radar phát hiện tên lửa đạn đạo được phóng vào không gian. Sau đó, các bộ cảm biến theo dõi sẽ đo quỹ đạo, đánh chặn và phá huỷ trong không gian trước khi tên lửa đó quay trở lại khí quyển của Trái Đất. Các tên lửa đánh chặn có thể được phóng đi từ tàu hoặc các bệ phóng đặt trên mặt đất.

Năm ngoái, Đại sứ Nga tại Đan Mạch từng cảnh báo rằng các tàu chiến của Đan Mạch có thể trở thành mục tiêu của tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của Nga nếu Copenhaghen gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách triển khai các hệ thống radar trên tàu chiến của nước này. Hiện Đan Mạch đang nâng cấp ít nhất một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia nước này để có thể đặt bộ cảm biến theo dõi tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho phép đặt một hệ thống radar theo dõi của Mỹ còn Hà Lan cũng có những tàu chiến trang bị hệ thổng radar nêu trên. Ngoài ra, Mỹ cũng có 4 tàu chiến đóng tại Tây Ban Nha như một phần trong kế hoạch hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Thời điểm đó, mục tiêu chính của kế hoạch là chống lại Liên Xô. Sau này, khi "Chiến tranh Lạnh" kết thúc, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại để phát triển dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush với mục đích mới là chống lại khả năng bị tấn công từ Iran.