Vì sao nắng nóng có thể làm viêm giác mạc?

Theo bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương, mùa hè tia nắng mặt trời có thể làm viêm giác mạc do ánh sáng.
Viêm mắt cấp tính do vi khuẩn.

Ngứa mắt, phù nề vì nắng nóng

Một tuần nay, chị Nguyễn Hằng trú tại Lò Đúc, Hà Nội khốn khổ vì đôi mắt. Chị Hằng cho biết lúc nào cũng thấy mắt ngứa nên hay dụi mắt. Dụi nhiều khiến đôi mắt của chị phù nề, đỏ tấy, người khác nhìn lúc nào cũng thấy như chị vừa mới khóc.

Chị nhỏ nước muối sinh lý nhưng không ăn thua. Chị chườm đá cũng ít có tác dụng nên tranh thủ nghỉ 1 buổi sáng đi khám. Bác sĩ cho biết chị bị viêm giác mạc mùa hè do vi khuẩn xâm nhập.

Trường hợp của anh Trần Đức Liên, Mỗ Lao, Hà Đông cũng tương tự. Anh Liên kể gia đình anh vừa đi nghỉ mát ở Cửa Lò 5 ngày về. Do tắm biển nhiều nên khi về Hà Nội mắt anh bị ngứa, nhức mỏi rất khó chịu. Anh Liên đi khám bác sĩ cho rằng anh bị viêm giác mạc do ánh sáng.

Có thể khi đi biển anh không đeo kính chống lại tia UV hoặc lúc tắm biển, nước biển vào mắt gây viêm giác mạc.

Đừng bỏ quên đôi mắt

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ngày hè nóng nực chúng ta không nên bỏ quên đôi mắt.

Hầu như mọi người chỉ chăm chút bảo vệ làn da nhưng thường quên bảo vệ mắt trước nắng hè. Ngày hè đồng nghĩa với việc có thêm thời gian vui chơi ngoài trời. Khoa học cũng chứng minh rằng phơi nhiễm thái quá với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ hình thành và phát triển đục thể thủy tinh, một số loại ung thư của mắt. 

Bình thường với làn da, tia UV làm rám nắng có thể gây ra ung thư da, với đôi mắt nguy cơ do tia UV cũng tương tự. Ánh nắng mặt trời phản xạ từ cát trắng và nước có thể gây ra viêm giác mạc do ánh sáng, tương tự như là bệnh mù do đi trượt tuyết, những người đi bơi và đi tắm biển cần ghi nhớ điều này.

Việc phát xạ tia UV có thể hình thành từ ánh sáng mặt trời trong tự nhiên hoặc các nguồn phát nhân tạo từ máy móc đều có thể gây ra một số bệnh lý tại mắt, trên phần bề mặt nhãn cầu như giác mạc, thể thủy tinh… 

Không may là còn rất nhiều người không ý thức được sự nguy hiểm của tia UV có thể gây hại cho bản thân họ. Đeo kính ngăn tia UV làm bạn có thể vui chơi thoải mái trong mùa hè, giảm bớt các bệnh lý gây mù lòa và một số loại ung thư. Chuyên gia cũng khuyên nên đeo kính chống tia UV khi tuổi còn trẻ nếu có nguy cơ phải phơi nhiễm nhiều năm tháng với tia UV.

Bác sĩ Cương cho biết theo hướng dẫn quốc gia về an toàn với ánh sáng mặt trời của AAO chỉ có 50% người mua kính quan tâm đến chỉ số ngăn chặn tia UV trước khi ra quyết định mua. Tuy nhiên bạn có thể mua kính cản tia UV dễ dàng, không cần đơn kính. Để bảo vệ mắt một cách thông minh trước ánh sáng mặt trời, hội Nhãn khoa Hoa kỳ (AAO) đưa ra một số lời khuyên như sau:

Mang kính râm có gắn mác loại trừ 100% tia UV: Nên dùng kính ngăn được cả tia UV A và B, kính gắn mác UV400 hoặc 100% UV protection.

Chọn gọng kính có vành rộng sao cho ánh sáng không thể đi vào mắt bạn từ phía bên.

Nếu bạn dùng kính tiếp xúc loại chống tia UV vẫn nên đeo thêm kính râm bổ trợ.

Đội mũ đi kèm với đeo kính: Mũ rộng vành là tốt nhất.

Đừng lơ là với trẻ em: Tốt nhất là không để trẻ chơi nắng vào buổi trưa, bị chiếu nắng trực tiếp, luôn cho trẻ đeo kính - đội mũ bất cứ khi nào phải ra nắng.

Nên nhớ là bóng mây không cản được tia UV: Tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù, gây hại cho chúng ta quanh năm chứ không phải chỉ riêng mùa hè.

Cảnh giác với tia UV đậm độ cao: Ánh sáng mặt trời có đậm độ tia UV cao nhất vào buổi trưa và đầu giờ chiều, tia UV cũng tăng mạnh cùng với độ cao địa lý, rất mạnh khi phản xạ từ nước và băng tuyết. Bằng việc nắm vững một số nguyên tắc cơ bản, bạn và gia đình có thể yên tâm tắm nắng, chơi đùa ngoài trời sau khi đã bảo vệ chu đáo đôi mắt.

Theo Theo Infonet