Tốn tiền trong chương trình... miễn phí
Năm 2019, Việt Nam và Nhật Bản chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý để triển khai chương trình “lao động kỹ năng đặc định”. Đây là chương trình tiếp nhận lao động có trình độ tay nghề của Nhật đối với những thực tập sinh từng đi làm việc tại Nhật hay du học sinh Việt đang học tại nước này…
Theo đó, khi tham gia chương trình kỹ năng đặc định, lao động hầu như không phải bỏ chi phí. Các khoản phí học tiếng, đào tạo, vé máy bay khứ hồi… đều được phía Nhật chi trả; đồng thời người lao động được hưởng mức lương và các chế độ tương đương với lao động Nhật Bản.
Khi bản ghi nhớ được ký kết, lao động Việt rất phấn khởi bởi họ sẽ có cơ hội quay trở lại Nhật làm việc với nhiều quyền lợi hấp dẫn hơn so với các chương trình trước đó và được định cư lâu dài tại nước này. Đặc biệt, với khoảng 100.000 thực tập sinh Việt Nam về nước mỗi năm, đây còn là hướng đi mới cho người lao động Việt được “tái sử dụng tay nghề”, có việc làm ổn định, bền vững.
Việt Nam là quốc gia trong nhóm ít các nước hợp tác với Nhật về chương trình kỹ năng đặc định, nhưng tiến độ triển khai kỳ thi (gồm kỹ năng nghề và tiếng Nhật) của Việt Nam hiện rất chậm.
Trong khi đó, đến nay hàng loạt các quốc gia khác trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Philippines…đã tổ chức được các kỳ thi với Nhật Bản để đưa lao động quay lại xứ Mặt trời mọc.
“Ban đầu, chúng ta có nhiều lợi thế nhất, vì Nhật Bản từ trước đến nay thích tuyển lao động Việt. Nhưng hiện không ít đối tác Nhật đang chuyển hướng chọn lao động từ Indonesia, Philippines, Campuchia… Chúng tôi đang lo mất thị phần vào tay DN nước khác. Các DN đã không ít lần kiến nghị với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Bộ LĐ-TB&XH sớm triển khai nhưng đến giờ, không có lời giải thích”. Lãnh đạo 1 DN nói
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh T.V.K (29 tuổi) cho biết, đã về nước hơn 5 năm. Từ năm 2019, khi có thông tin về chương trình kỹ năng đặc định, anh lên kế hoạch trở lại Nhật Bản làm việc với hi vọng có thể đổi đời sau khi lần đầu làm việc “chưa đủ vốn”. Nhưng chờ hơn 3 năm vẫn chưa có thông tin gì về kỳ thi tại Việt Nam, vào cuối năm 2022, anh đã cùng một nhóm bạn sang Campuchia để đăng ký dự thi.
Để sang Campuchia, anh K và nhóm bạn phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng/người mua vé máy bay khứ hồi, chưa kể các khoản phí thuê khách sạn, ăn ở, đi lại…. Đặc biệt, thời điểm đó xuất hiện các thông tin về đường dây buôn người ở Campuchia nên để tránh rủi ro, cả nhóm phải thuê một người bản xứ quen biết để phiên dịch.
“Quá trình tham gia kỳ thi kéo dài khoảng 3 ngày 2 đêm. Tính cả chuyến đi, mỗi lao động chi hết khoảng 30 triệu đồng. Nếu Việt Nam tổ chức được kỳ thi đặc định, chúng tôi đã không phải mất số tiền phát sinh này”, anh K nói.
Do bế tắc trong khâu tổ chức thi, không ít DN Việt Nam phải đưa lao động sang Campuchia, Philippines, Indonesia...để thi tạm. Anh V.V.Q, một môi giới của Công ty Cổ phần Đầu tư du học và hợp tác quốc tế VTC1 tiết lộ, mỗi tháng, riêng công ty này đưa hàng trăm thực tập sinh ra nước ngoài đi thi.
Theo đó, với các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà hàng, xây dựng… công ty sẽ giới thiệu người lao động sang Indonesia với chi phí trọn gói khoảng hơn 1.000 USD, còn các ngành khác sẽ sang Campuchia với chi phí khoảng 1.200 USD.
Trách nhiệm của Cục Quản lý Lao động ngoài nước
Theo các DN, việc chậm trễ trong khâu đàm phán của Bộ LĐ-TB&XH không chỉ khiến người lao động phát sinh thêm hàng loạt chi phí, mà còn khiến các DN Việt bỏ lỡ cơ hội.
Với chương trình kỹ năng đặc định, phía Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng khoảng 350 nghìn lao động, trong 14 ngành nghề gồm xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp; thực phẩm, nhà hàng ăn uống, ngư nghiệp; lưu trú khách sạn…
“Ban đầu, chúng ta có nhiều lợi thế nhất vì Nhật Bản từ trước đến nay thích tuyển lao động Việt. Nhưng hiện không ít đối tác Nhật đang chuyển hướng chọn lao động Indonesia, Philippines, Campuchia…
Chúng tôi đang lo mất thị phần vào tay của DN nước khác. Các DN đã không ít lần kiến nghị với Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Bộ LĐ-TB&XH sớm triển khai nhưng đến giờ, không có lời giải thích”, lãnh đạo 1 DN nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (người phụ trách chương trình) cho biết, chương trình kỹ năng đặc định do các nước ký thỏa thuận song phương nên các nội dung đàm phán cũng khác nhau. Cục vẫn đang trao đổi với Nhật Bản về vấn đề kỹ thuật để tổ chức kỳ thi.
Đề cập việc vì sao Việt Nam chậm trễ trong việc triển khai các kỳ thi kỹ năng đặc định khiến nhiều lao động phải bỏ tiền ra nước ngoài thi, ông Hương nói: “Do mỗi nước có đặc thù riêng. Nhật muốn tuyển lao động, họ phải chủ động và đề xuất thời gian thi với chúng ta”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết thêm, dự kiến trong tháng 3, đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ sang Việt Nam để thống nhất phương thức tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận “có một số vướng mắc nên chương trình mới chậm. Việc này, Cục Quản lý lao động ngoài nước rõ nhất, Bộ đã giao cục khẩn trương giải quyết”, ông Hoan nói.