Xung quanh đến đề xuất sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP và trần lãi vay giao dịch liên kết đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - để ghi nhận những thông tin liên quan.
Thưa ông, quy định khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp?
- Hiện tại, khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về việc xác định trần tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quy định khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết là không hợp lý và làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, kịp thời và có thể làm thiệt hại lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bởi lẽ, chi phí lãi vay phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là chi phí hợp pháp, được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020 (được sử dụng các nguồn vốn tín dụng) hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (khách hàng vay vốn phải có mục đích sử dụng vốn hợp pháp) hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên). Như vậy, ngoài nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định pháp luật thì nhà đầu tư còn có thể sử dụng các nguồn vốn khác, trong đó có vốn vay.
Chi phí lãi vay là chi phí hợp pháp thì cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính của doanh nghiệp thì mới phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời bức tranh hoạt động của doanh nghiệp, mà đa số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết là những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật.
Cũng có một thiểu số doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết có thể có hoạt động chuyển giá, kê khống giá làm tăng chi phí ảo để trốn lậu thuế, nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng hoạt động chuyển giá cần được quan tâm kiểm soát.
Có nghĩa là không cần thiết phải khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30%?
- Với quy định phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ thì lại có thể làm thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo lỡ bị kinh doanh hòa vốn hoặc bị thua lỗ, kể cả trường hợp có lãi nhưng chẳng may lại rơi vào trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo không thấp hơn mức quy định thì coi như toàn bộ phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo bị mất trắng.
Vì vậy, không nên và không cần thiết khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế và trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nên áp dụng khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để sửa quy định này?
- Tại điểm đ khoản 4 phần III của Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2023.
Vào tháng 8, Bộ Tài chính đã phân công các đơn vị trực thuộc triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ, nhưng đến giữa tháng 10 thì Tổng cục Thuế có văn bản xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài chính với đề xuất sẽ trình sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP vào tháng 8/2024.
Việc chậm đề xuất sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP, nhất là việc chậm đề xuất sửa đổi quy định khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP sẽ càng làm cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật tiếp tục bị thiệt hại, bị thiệt thòi.
Trong tình hình hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa rất hiệu quả để hỗ trợ cộng động doanh nghiệp và người tiêu dùng như cho phép chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cho phép giảm 2% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môi trường nên việc khẩn trương xem xét sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng là chính sách tài khóa hết sức cần thiết và cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7.
Theo ông, nên khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% như thế nào?
- Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng không áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.
Cụ thể, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.
Xin cảm ơn ông!