Ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc tới Bộ Công an yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm của Công ty Địa ốc Alibaba. Đây là động thái mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của phía cơ quan nhà nước đối với công ty này tính từ cuối năm 2017.
Phình to cả bộ máy và số dự án rao bán
Gần 2 năm kể từ thời điểm Địa ốc Alibaba bị điều tra, doanh nghiệp không những không suy yếu, mà còn phình to với tốc độ nhanh chóng.
Tổng số dự án được công ty này quảng cáo, chào bán từ 17 đã tăng lên 48. Nhân sự của Địa ốc Alibaba từ 1.500 người đến nay đã tăng lên hơn 2.500 người. Doanh nghiệp này có mạng lưới rộng lớn, trải nhiều tỉnh thành.
Điều này đặt ra câu hỏi, mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và có các biện pháp cưỡng chế đối với các dự án "ma" của công ty này, tại sao vẫn còn quá nhiều người cả tin và sẵn sàng "xuống tiền" ngay trong tâm bão?
Lời rao đất nền giá rẻ, lợi nhuận khủng
Cuối năm 2017, Alibaba rao bán dự án ảo Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2, bằng 50% so với thị trường thời điểm này. Các dự án "ma" khác của công ty này ở Đồng Nai hay Vũng Tàu cũng chỉ giao động từ 2-6 triệu đồng/m2, chỉ bằng 30-60% dự án trên thị trường.
Ngoài mức giá ưu đãi, Alibaba còn cam kết có "sổ đỏ thổ cư", thu hút hàng nghìn lượt tham quan và đầu tư.
Không chỉ dừng lại ở mức giá thấp bất ngờ, công ty còn đưa ra cam kết lợi nhuận khủng khi thu mua dự án với lãi suất lên đến 12-15%/6 tháng hoặc 28-35%/năm, cao gấp 4-5 lần so với lãi suất gửi tiền tại ngân hàng. Khoản lợi nhuận này áp dụng đối với các trường hợp khách đã đóng tiền mua dự án của Alibaba môi giới nhưng không được bàn giao sổ đỏ hoặc muốn bán lại.
Những cam kết này khiến khách hàng tin rằng các dự án của Alibaba có tỷ lệ rủi ro đầu tư rất thấp.
Alibaba đã thực hiện chính sách thu mua và nhiều khách hàng ban đầu đã nhận được "lãi khủng" của các dự án ảo. Chính vì vậy, ngay cả khi đa số dự án của Alibaba không có thật, công ty này không sở hữu dự án nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng xuống tiền ký hợp đồng.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng Địa ốc Alibaba đang lợi dụng tâm lý của người Việt ưa thích đầu tư đất nền để gom các mảnh đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư và đứng tên dưới các cá nhân khác để phân lô, bán lại cho người đầu tư.
Cách hoạt động và huy động vốn của công ty này, theo ông Võ, có những biểu hiện rất đáng ngờ.
"Mặc dù rao bán những dự án đất nền không đầy đủ hồ sơ pháp lý nhưng lại cam kết lợi nhuận cao một cách đáng ngờ. Cơ quan chức năng cần phải điều tra rõ ràng bằng cách nào công ty này có thể trả được khoản lợi nhuận lớn như vậy cho khách hàng," ông nói.
Cũng theo ông Võ, Địa ốc Alibaba đang cho thấy những biểu hiện lấy tiền của người mua sau trả cho người mua trước, tự đẩy cao giá lên cao so với giá trị thật của đất bằng cách lập dự án ảo phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.
"Những mức lãi suất cao bất thường như vậy không khó để thấy ở các mô hình đa cấp hay gọi vốn đầu tư trái phép. Đến mức nguồn tiền đầu tư để duy trì những mô hình này không còn đủ, lãi suất không thể chấp nhận được nữa thì cả hệ thống sẽ tự nó đổ bể," ông Võ nói thêm.
Gây rối thị trường đầu tư
Mặc dù đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể về các tác động tiêu cực mà hoạt động của Địa ốc Alibaba gây ra song ông Võ cho rằng những dự án "ma" của công ty này đang gây rối cho thị trường bất động sản và môi trường đầu tư.
"Các dự án ảo của Alibaba đang làm cho thị trường bất động sản Việt Nam trở nên không chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tạo nên một thị trường có nhiều rủi ro đối với những nhà đầu tư chất lượng," GS Đặng Hùng Võ khẳng định.
Tuy nhiên theo ông, đây chỉ là một "hạt sạn" trong bức tranh chung, một trường hợp cá biệt như Alibaba không thể làm thay đổi toàn bộ chất lượng của thị trường.
Ông Võ cũng đưa ra khuyến nghị người đầu tư khôn ngoan cần tìm đến những dự án có sự bảo lãnh của ngân hàng và đầy đủ về pháp lý.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng: "Bất kỳ dự án nào có dấu hiệu chào giá với lợi nhuận quá cao, người đầu tư cần phải đặt câu hỏi về nguồn tiền từ đâu mà có bởi đến khi hệ thống này sụp đổ, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là khách hàng".
Đánh giá về sức sống của các mô hình kinh doanh như Alibaba, ông Võ khẳng định đến khi nào còn có người đầu tư thì mô hình này còn có thể sống sót, tuy nhiên khi không còn nguồn tiền rót vào để trả cho các thành viên là lúc hệ thống này sụp đổ.