Hàn Quốc được coi là trung tâm công nghệ phát triển mạnh mẽ ở châu Á, nhưng cũng là nơi có thế giới ngầm hoạt động mại dâm cũng “thịnh vượng” không kém. Mặc dù bị coi là bất hợp pháp, song ngành kinh doanh tình dục vẫn phát đạt. Với sự trợ giúp của các chatroom và smartphone, lĩnh vực kinh doanh tình dục ở Hàn Quốc hiện nay càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc đánh giá có khoảng 500.000 phụ nữ hành nghề bán dâm, nhưng theo số liệu từ Hội Nữ quyền Hàn Quốc con số đó có thể vượt quá 1 triệu người. Theo Viện Tội phạm học Hàn Quốc, 1/5 nam giới trong độ tuổi 20 mua dâm ít nhất 4 lần trong tháng và từ đó tạo nên một lượng khách làng chơi gần như vô tận cho thành phần gái mại dâm của xứ sở Kim Chi. Thậm chí, trẻ vị thành niên cũng hành nghề mại dâm khá phổ biến ở Hàn Quốc. Trong xã hội công nghệ cao của Hàn Quốc, rõ ràng là sức ép dữ dội từ sự tranh giành bằng cấp (cùng với nhiều vấn đề trong gia đình) đã khiến nhiều thiếu nữ trở nên buông xuôi.
Thực trạng này dẫn đến việc rất nhiều thiếu nữ và phụ nữ trẻ tuổi Hàn Quốc bị dụ dỗ bán ra nước ngoài như Nhật Bản để hành nghề mại dâm. Một blogger tên là Park Je-sun viết trên trang Threewisemonkeys rằng ở Seoul, nạn mại dâm lan rộng và thậm chí chiếm vị trí trung tâm trong mọi hoạt động của giới kinh doanh. Je-sun nhấn mạnh: “Tình dục và quyền lực liên kết rất chặt chẽ ở Seoul”.
Tháng 1/2012, cảnh sát đột kích một nhà thổ 9 tầng trong khu Gangnam của Seoul phát hiện gần 100 gái mại dâm, với giá khoảng 300USD cho một lần tiếp khách. Cảnh sát cho biết nhà chứa này kiếm được hơn 20.000USD/ngày.
Bán thân xác để kiếm tiền đôi khi cũng dẫn đến những bi kịch cho phụ nữ. Tháng 3/2013, giới truyền thông Hàn Quốc đồng loạt đưa tin về vụ án một phụ nữ bị giết chết khi đang hành nghề ở khu Hwaseong phía nam Seoul.
Hung thủ sau đó thú nhận đã siết cổ người phụ nữ đến chết do nạn nhân từ chối phục vụ “theo yêu cầu”. Sau vụ án này, chính quyền Hàn Quốc xem xét sửa đổi Luật đặc biệt về Mại dâm để tăng mức án đối với hành vi mua bán dâm.
Gái mại dâm Hàn Quốc biểu tình phản đối chiến dịch bố ráp của cảnh sát..
Trước những quy định nghiêm khắc hơn của luật pháp, phần lớn những khu đèn đỏ từng mọc lên nhan nhản tại nhiều thành phố lớn của Hàn Quốc đã không còn hoạt động công khai mà trở nên kín đáo hơn trong các cửa hiệu massage hay cắt tóc hoặc những nơi như khách sạn hay quán bar để tránh né những cuộc vây ráp bất ngờ của cảnh sát. Ngoài ra, hoạt động giao dịch mua bán dâm cũng trở nên sôi động hơn trên Internet và smartphone gây nhiều khó khăn cho việc thực thi pháp luật của chính quyền.
Kim Yeo-ni (không phải tên thật), 26 tuổi, là một ví dụ về mại dâm trên Internet. Yeo-ni kiếm sống bằng nghề bán dâm trên mạng, kết nối với khách làng chơi thông qua các website giả danh như các trang họp mặt xã hội để thương lượng giá cả, “loại hình dịch vụ” và nơi hành sự. Yeo-ni thú thật cô cũng từng trải qua rất nhiều trường hợp bạo lực thân thể hay ngôn ngữ từ một số khách làng chơi. Mặc dù vậy, Yeo-ni cho biết cô thích chọn con đường bán dâm hơn là làm phục vụ trong khách sạn hay quán bar. Yeo-ni hành nghề đơn độc không thích làm trong nhà thổ bí mật
Cảnh sát cho biết rất khó bắt giữ những đối tượng mua bán dâm vì thiếu các nguồn cần thiết để mở rộng các chiến dịch, trong khi thành phần này hiện nay hoạt động rải rác khắp nơi và luôn ứng dụng công nghệ chứ không còn tập trung vào những khu đèn đỏ như khu Cheongnyangni 588 ở Seoul ngày xưa. Kim Kang-ja, cựu sĩ quan cảnh sát Seoul từng lãnh đạo chiến dịch phá vỡ mạng lưới buôn bán trẻ vị thành niên hành nghề mại dâm năm 2000, cũng khẳng định, tiền và nhân lực chưa bao giờ đủ để giải quyết vấn đề. Theo thông tin từ một tờ báo năm 2012, hơn 100 quán bar và cửa hiệu massage mọc lên trong bán kính 1km tại trung tâm các thành phố lớn như Seoul, Busan, Ulsan và Gwangju.
Kim Kweon-young, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ quyền phụ nữ thuộc Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc, cho biết sau khi luật chống mại dâm ra đời, chính quyền cũng cho mở nhiều trung tâm giúp đỡ phụ nữ rời khỏi môi trường này. Hiện có 88 trung tâm loại này nằm dưới sự điều hành của nhà nước – so với 61 trung tâm năm 2004 – theo số liệu do Bộ Bình đẳng giới cung cấp. Các chính sách hỗ trợ của chính quyền bao gồm tư vấn, đào tạo nghề và tạo thu nhập hàng tháng khoảng 400.000 won (370USD).