Vẽ tranh từ cảm xúc nghề y

TP - “Tôi nghĩ vẽ tranh cũng như các môn nghệ thuật khác tạo cảm xúc làm mềm mại thêm cho công việc của mình. Nó giúp mình bớt đi sự khô cứng và trở nên sâu sắc khi nhìn nhận vấn đề từ đó thấu hiểu bệnh nhân hơn”. Đó là chia sẻ của thạc sĩ, bác sĩ Châu Khiêm Nguyện khi tham gia cuộc thi vẽ tranh dành cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế... với chủ đề “Từ trái tim đến trái tim”.

Cuộc thi vẽ được họa sĩ trẻ Huỳnh Công Thành (33 tuổi, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) phối hợp cùng Ban Giám đốc Bệnh viện Gia Đình tổ chức tại xưởng vẽ Art For Arch. Với gần 150 y, bác sĩ, nhân viên y tế tham gia, đây không chỉ là dịp để người ngành y trải nghiệm hội họa mà còn là cơ hội để thể hiện những cảm xúc, sự đồng cảm với các bệnh nhân.

Điều khác biệt là các thí sinh tham gia mà không hề tập luyện hay chuẩn bị gì trước cho tác phẩm của mình. Hành trang họ mang đến cuộc thi là cảm xúc trong những năm công tác tại bệnh viện cũng như trong đời sống thường ngày.

Họa sĩ Huỳnh Công Thành trao đổi nét vẽ và cảm xúc với nhân viên ngành y

Tại đây, mỗi người sẽ được anh Thành hướng dẫn, lưu ý những điều cần thiết để vẽ nên một bức tranh đẹp từ đường nét, màu sắc đến cách dùng cọ vẽ. Anh còn khơi gợi để họ tự tạo nên những ý tưởng độc đáo cho bức tranh của mình.

Ban đầu, các thí sinh loay hoay không biết vẽ gì. Nhưng khi đặt cọ vẽ rồi họ mới thấy được hòa quyện dần vào không gian và ý tưởng cứ thế trào ra để hoàn thiện bức tranh. “Nhìn ngắm bức tranh vừa hoàn thiện mình cảm thấy được khích lệ bởi đã vượt qua sự tự ti của bản thân, trước đó mình cứ nghĩ sẽ không vẽ được. Vẽ tranh cho mình có cảm giác quay về tuổi thơ với những trải nghiệm màu sắc. Đó là những giây phút rất thư giãn và hạnh phúc của mình”, điều dưỡng Võ Thị Kiều Dư (25 tuổi, sống tại Đà Nẵng) cho biết.

“Ngành y tế đang đối mặt với rất nhiều thử thách. Bình thường các y, bác sĩ không có thời gian để tâm sự vì công việc của họ rất bận rộn và áp lực. Đây là sân chơi để họ trải nghiệm hội họa, giải tỏa căng thẳng, có vài giờ thả hồn theo nghệ thuật giúp quên đi công việc y tế khô khan luôn theo quy trình”.

Họa sĩ Huỳnh Công Thành

Gần 150 bức tranh mang ý nghĩa và thông điệp khác nhau. Mỗi bức tranh là một câu chuyện. Có người tái hiện lại cảm xúc của bệnh nhân trong tranh với những trạng thái đau đớn, vui vẻ qua những gam màu sáng tối đối lập. Có người lại tái hiện quá trình đi tới nghề y với bức tranh vẽ con đường nhiều chông gai nhưng lại có trái tim mang màu đỏ rực phía trước, với ý nghĩa phải trải qua nhiều khó khăn mới chạm đến được cái tâm của người làm nghề y cũng như trái tim của bệnh nhân. Hay bức tranh vẽ khoảnh khắc chào đời của cặp em bé song có ba mẹ bị hiếm muộn với niềm hạnh phúc vỡ òa của các bác sĩ và gia đình,... Rất nhiều những câu chuyện khác cũng được thể hiện qua tranh vẽ bằng sự đồng cảm và thấu hiểu bệnh nhân của các “họa sĩ” mang áo blouse trắng.

Hơn 3 giờ đồng hồ miệt mài, các thí sinh hoàn thiện bức tranh của mình, đó là lúc cảm xúc thăng hoa nhất. Nhiều người còn nhận thấy sự ảnh hưởng giữa nghệ thuật hội họa với nghề. Thạc sĩ, bác sĩ Châu Khiêm Nguyện (32 tuổi, Khoa nhi Bệnh viện Gia Đình) nói: “Tôi nghĩ vẽ tranh cũng như các môn nghệ thuật khác tạo cảm xúc, làm mềm mại thêm cho công việc của mình. Nó giúp mình bớt khô cứng và trở nên sâu sắc khi nhìn nhận vấn đề từ đó thấu hiểu bệnh nhân hơn”.

Vượt lên trên ý nghĩa của một cuộc thi, nhiều người đến với sự kiện lần này với mong muốn được trải lòng cùng hội họa, thả những cảm xúc theo màu sắc hòa quyện cùng những câu chuyện nghề được thể hiện qua những bức tranh do chính mình tạo nên.