> Lợi nhuận ngân hàng trong mắt công ty chứng khoán
Do cạn vốn, cho nên hiện cả nước có khoảng 30-40% DN phá sản và TP.Hồ Chí Minh cũng không là ngoại lệ. Bà Lý Kim Chi, đại diện Hội lương thực và thực phẩm thành phố cho rằng, với lãi suất ngân hàng 22%/năm, DN muốn duy trì được sản xuất thì phải có lãi 35-40%.
“Không có DN nào trong ngành có được mức lãi này”-bà Kim Chi khẳng định. Bà cho biết rất nhiều DN trong ngành này không dám vay ngân hàng, nhất là những DN vừa và nhỏ, mà tìm cách đi huy động tối đa các nguồn vốn bên ngoài như vốn tự có, của người thân… để sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc một DN kinh doanh vật liệu xây dựng tại Bình Dương cho biết gần đây có một số khách hàng nước ngoài đến đặt sản xuất, cung cấp gạch ốp lát với số lượng lớn. Muốn đáp ứng được những đơn hàng này, công ty phải đầu tư thêm ít nhất một dây chuyền sản xuất giá hàng triệu USD.
Tuy nhiên, trong tình hình lãi suất cao như hiện nay, việc vay vốn để đầu tư là không khả thi. Một mặt vì khó vay, mặt khác nếu có vay được thì lợi nhuận cũng không đủ trả lãi ngân hàng. “Biết đây là cơ hội tốt nhưng chúng tôi đành phải từ chối khách hàng trong sự nuối tiếc”- vị giám đốc nói.
Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP.HCM (Hawa), ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng cùng với chi phí đầu vào tăng mạnh, lãi suất cao như hiện nay đã khiến các DN trong nước mất hết lợi thế cạnh tranh về giá. Khách hàng chỉ có thể chấp nhận tăng giá 5-7% để chia sẻ với DN sản xuất, trong khí đó giá đầu vào tăng từ 15-20%, DN lại không có vốn nên không thể tiếp nhận được những đơn hàng như mong muốn.