2 năm COVID-19 đánh bay 10 năm tích lũy
Trước đại dịch COVID-19, du lịch Việt từng đôi lần gặp bước lao đao vì ảnh hưởng của đại dịch SARS năm 2003 hay vòng xoáy suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng những gì đã từng trải qua trong quá khứ xem ra quá nhỏ so với con số thiệt hại hàng tỷ USD mà ngành phải hứng chịu. Bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, vì đại dịch COVID-19, tháng 3/2020 Việt Nam đã phải ngừng đón khách quốc tế. Du lịch Việt Nam - một ngành đang tăng trưởng bốn năm liên tục ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, nay suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Nói về việc thực hiện các thủ tục đưa đón khách chuyên gia, kiều bào về nước, ông Nghĩa cho rằng, quy trình đưa đón phải thực hiện khép kín từ lúc lên máy bay cho đến khi khách được đưa về các khu cách ly tại khách sạn.
Là Tập đoàn sở hữu chuỗi khách sạn 5 sao lớn tại Đà Nẵng, Hội An, Huế, Vicoland Group chịu tổn thương nặng nề vì COVID-19 khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất. Thế nhưng, trong buổi nói chuyện tại trụ sở doanh nghiệp tại Hà Nội những ngày cuối tháng 9, ông Bùi Đức Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vicoland Group cho rằng: “Chúng tôi không còn tiền để đóng góp hàng trăm tỷ ủng hộ quỹ vắc-xin, nhưng thay vào đó, chúng tôi lựa chọn đóng góp theo sức của mình, trong điều kiện chúng tôi có thể và đóng góp cho những việc chúng tôi nghĩ là thiết thực nhất. Những khách sạn 5 sao thương hiệu Risemount dành làm nơi cách ly đối với người Đà Nẵng- Quảng Nam từ TPHCM và khu vực phía Nam về quê như một phần công sức nhỏ bé của doanh nghiệp
Theo Hiệp hội du lịch Việt Nam, hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương và kích cầu du lịch nội địa để duy trì nhân sự chủ chốt.
Ông Long kể lại: “Tôi nhớ, chỉ trong 100 ngày đầu của đại dịch đầu năm 2020, toàn bộ thị trường du lịch thế giới thay đổi hoàn toàn, không giống chút nào so với trước đây. Đây là những ngày tháng khó khăn chưa từng có với Vicoland và các doanh nghiệp du lịch nói chung. Lượng khách quốc tế về con số 0 như hiện nay là điều chưa bao giờ xảy ra. Doanh nghiệp vừa xoay hướng phát triển khách nội địa lại hứng chịu liên tiếp các sóng COVID-19. Cho đến hôm nay, lần đầu tiên mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi quay về con số 0 tròn trĩnh”.
Ông Long cho biết, trước dịch, riêng mảng du lịch, mỗi ngày Vicoland lãi 3-4 tỷ nhưng giờ mỗi sáng thức dậy, doanh nghiệp lỗ tiền tỷ. “Thật ra trong 18 tháng qua, dù khó khăn rất nhiều, tôi vẫn nghĩ Vicoland may mắn hơn nhiều các công ty du lịch khác vì chúng tôi có hàng chục bất động sản có giá trị, có doanh nghiệp tài chính và nhận được sự ủng hộ của các cổ đông lớn, uy tín”, ông Long nói.
Ông Long ngậm ngùi, nhà có bao nhiêu sổ tiết kiệm cũng lôi ra dùng hết. “2 năm COVID-19 đã ngốn 10 năm tích lũy làm du lịch của doanh nghiệp. Khóc cũng không giải quyết được vấn đề gì bởi tôi phải mạnh mẽ và có trách nhiệm với 1.600 nhân viên của Vicoland và gia đình của họ”, ông Long nói.
Hơn một năm qua, doanh nghiệp phải cắt giảm một nửa nhân viên nhưng vẫn đảm bảo trả lương cho nhân viên nghỉ việc để giữ chân lao động khi phục hồi.
Tự cứu mình
Nói về khó khăn, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc doanh nghiệp lữ hành Vietfootravel cho rằng, bản thân doanh nghiệp của mình chỉ là doanh nghiệp nhỏ nhưng COVID-19 khiến cho doanh nghiệp bất động. Thế mạnh của doanh nghiệp là đưa khách nước ngoài về Việt Nam (inbound) và đưa khách Việt Nam đi nước ngoài (outbound). Thị trường tăng trưởng mạnh nhất và mang lại nguồn thu lớn là châu Âu. “Trước COVID-19, có thời điểm, 1 năm chúng tôi dẫn 32 đoàn đi châu Âu, mỗi đoàn 80 người là con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp lữ hành. Vì thế, hướng dẫn viên nhiều người có nhà xịn, xế sang”.
Cũng bởi là doanh nghiệp chuyên khách nước ngoài nên ông Nghĩa chịu ảnh hưởng ngay bởi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. “Như những doanh nghiệp khác, chúng tôi phải cắt giảm nhân viên. Doanh nghiệp chịu áp lực bởi tiền hãng máy bay nợ, khách sạn nợ tiền cọc. Thậm chí, nhiều khách du lịch cũng nợ bởi cá nhân họ gặp khó khăn không đủ khả năng thanh toán. Năm 2020, tiền nợ đọng lên tới hàng chục tỷ đồng trong khi doanh thu không có, bản thân tôi phải bỏ tiền tích lũy của gia đình chi trả lương nhân viên”, ông Nghĩa nói.
Thay vì ngồi chờ sạch bóng COVID-19, ông Nghĩa tìm mọi cách sống chung với dịch. Ông Nghĩa thường xuyên có những cuộc họp online với nhân viên, đối tác trong và ngoài nước, nhìn nhận và không giấu giếm những khó khăn của hiện tại. Doanh nghiệp buộc phải thay đổi thích nghi, một mặt làm du lịch nội địa, mặt khác tổ chức các dịch vụ đưa, đón khách chuyên gia, Việt kiều về nước như: Làm visa, kết nối các chuyến bay, tổ chức xe vận chuyển... Từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã vận chuyển được vài trăm khách, chủ yếu là chuyên gia nước ngoài. "Số lượng khách chuyên gia về Việt Nam không thường xuyên nhưng với khó khăn hiện nay thì công việc này giúp cho công ty vẫn duy trì hoạt động", ông Nghĩa nói.