TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Vàng nhẫn đắt kỷ lục; bão số 3 'thổi bay' hơn 60.000 tỷ đồng

TPO - Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất gì khi đối thoại với Thủ tướng?; Việt Nam được gì, mất gì từ việc Fed cắt giảm lãi suất?; giá vàng nhẫn tăng cao chưa từng có; chung cư 'bỏng' giá, bán tới 130 triệu đồng/m2; hơn 60.000 tỷ đồng tiêu tan vì bão số 3 càn quét... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đề xuất gì khi đối thoại với Thủ tướng?

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra ngày 21/9, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp ý kiến, đề xuất để phát triển đất nước.

Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng chia sẻ, đây là hội nghị thể hiện sự quan tâm, động viên và là hành động truyền lửa để cộng đồng doanh nghiệp như VinGroup có thêm động lực, năng lượng phấn đấu phát triển kinh tế hơn nữa. Ông Vượng đồng thời cũng đề xuất một số nhóm vấn đề.

Ông Phạm Nhật Vượng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Thứ nhất, về đào tạo, đại diện Tập đoàn VinGroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh, không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Ông Vượng khẳng định, VinGroup và các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu, vùng xa. “Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu, vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai”, ông Vượng nói.

Thứ hai, ông Vượng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Theo đó, cùng với thời gian, chúng ta sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này.

Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, Chủ tịch VinGroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.

Giá vàng nhẫn tăng cao chưa từng có

Sáng 21/9, công ty Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn tròn 79,25 - 80,35 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Đây là mức cao nhất trong lịch sử của vàng nhẫn.

Giá vàng nhẫn tròn của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,7 - 80 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, đi ngang so với cuối phiên giao dịch ngày 20/9.

Tại thị trường TPHCM, hệ thống vàng Mi Hồng niêm yết giá vàng nhẫn tròn 79,5 - 80,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Giá vàng nhẫn tròn lên mức 80,35 triệu đồng/lượng. Ảnh: BTMC.

Chênh lệch giá mua vào - bán ra nhẫn tròn về mức 950.000 - 1.000.000 đồng/lượng tùy từng thương hiệu. Giá vàng nhẫn tròn duy trì mức cao nhất trong lịch sử xuất phát từ việc giá vàng thế giới tăng mạnh trong các phiên giao dịch gần đây. Người nắm giữ vàng nhẫn tròn lãi tới 18 triệu đồng/lượng kể từ đầu năm tới nay.

Chung cư 'bỏng' giá, bán tới 130 triệu đồng/m2

Theo Batdongsan.com.vn, nhiều dự án chung cư mở bán mới tại Hà Nội và TPHCM đều có mức giá khá cao.

Tại Hà Nội, mức giá trung bình dao động từ 45-90 triệu đồng/m2. Tại TPHCM, mức giá trung bình dao động từ 45-130 triệu đồng/m2.

Khảo sát của Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, giá bán trung bình chung cư một số dự án tại Hà Nội hiện dao động khoảng 50-70 triệu đồng/m2. Giá căn hộ chung cư rao bán ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại).

Giá chung cư ngày càng cao.

Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển kinh doanh One Housing, thị trường chung cư Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới. Ông Trung cho rằng, một số chủ đầu tư ra hàng và bán rất nhanh dù giá tăng khá mạnh. Việc này do nguồn cung đang thấp hơn lượng tiêu thụ khiến thị trường phải chấp nhận mặt bằng giá mới.

Ông Trung nhận định, trong thời gian tới, giá chung cư có thể sẽ đi ngang trước khi bước vào chu kỳ tăng giá mới, bởi nguồn cung trong 1-2 năm tới còn thấp hơn so với nhu cầu của thị trường.

Theo One Housing, nguồn cung thị trường Hà Nội năm 2024 dự kiến đạt 22.000 căn, cao hơn so với giai đoạn 2020-2023 và bằng khoảng 69% so với năm 2019 - thời kỳ trước COVID-19. Trong đó, phân khúc cao cấp với khoảng giá từ 50-80 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm 10% thuế VAT và 2% phí bảo trì) sẽ tiếp tục gia tăng thị phần và chiếm đa số khoảng 70% trong những tháng cuối năm nay và khoảng 68% trong năm 2025.

Việt Nam được gì, mất gì từ việc Fed cắt giảm lãi suất?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa thông báo cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản khi đối mặt với lạm phát giảm và những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Đối với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của VinaCapital cho rằng việc cắt giảm lãi suất lần này của Fed có thể là con dao hai lưỡi.

Nguyên nhân là giá trị đồng USD giảm sẽ làm giảm áp lực mất giá lên đồng VNĐ, nhưng nền kinh tế Mỹ chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Nền kinh tế Mỹ chậm lại có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ đối với các sản phẩm "made in Vietnam" như điện thoại di động.

VinaCapital khẳng định, Fed cắt giảm lãi suất trước tiên là tin tốt. Đầu năm nay, VNĐ đã mất giá gần 5% so với đầu năm, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống.

Một số chuyên gia còn dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất chính sách của Việt Nam thêm 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Những diễn biến này đã giúp hỗ trợ giá trị của đồng VNĐ, nhưng áp lực mất giá của các tỷ giá ngoại tệ trong khối ASEAN chỉ thực sự giảm bớt từ cuối tháng 6 khi kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất bắt đầu tăng lên.

Thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất hơn 100 điểm cơ bản trong năm nay và thêm 100 điểm cơ bản nữa vào năm sau, điều này đã khiến đồng VNĐ tăng gần 4% kể từ cuối tháng 6, cùng với sự tăng giá từ 7-10% của đồng Ringgit của Malaysia, Baht của Thái và Rupiah của Indonesia.

Hơn 60.000 tỷ đồng tiêu tan vì bão số 3 càn quét

Thiệt hại sơ bộ hơn 60.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc là con số ước tính cao hơn báo cáo cuối tuần trước (40.000 tỷ đồng).

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các địa phương, đặc biệt là nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu thiệt hại sau bão.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 26 tỉnh, thành phố bị thiệt hại bởi bão số 3, ước tính tăng trưởng cả năm của một số địa phương sụt giảm. Tăng trưởng của Quảng Ninh chịu tác động nặng nhất, ước tính giảm 0,65%; tiếp theo là Hải Phòng, Lào Cai cùng có mức ảnh hưởng 0,63%; Thái Nguyên giảm 0,59%.

Tăng trưởng cả năm của Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái giảm trung bình khoảng 0,5%; Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La giảm trung bình khoảng 0,4%. Các tỉnh khác giảm 0,2 - 0,35% và Thanh Hóa có mức giảm ước tính thấp nhất, khoảng 0,14% tăng trưởng cả năm.

Cả 3 trụ cột của nền kinh tế là nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều chịu thiệt hại. Tổng cục thống kê cho biết, tính chung cả năm, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước có thể giảm tăng trưởng khoảng 0,33% so với kịch bản.

Dự án sân bay Sa Pa 'trắng' nhà đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực hội đồng thẩm định liên ngành) vừa có thông báo kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Về việc không lựa chọn được nhà đầu tư, hội đồng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai giải trình, làm rõ một số nội dung và đề xuất giải pháp.

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa.

Trước đó, khảo sát của UBND tỉnh Lào Cai cho thấy, có hai nhà đầu tư muốn làm sân bay Sa Pa là Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sapa (thuộc Tập đoàn SunGroup) và Công ty CP Tập đoàn T&T. Tuy nhiên, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.

Lý giải về điều này, địa phương cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài, khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Về việc Lào Cai muốn điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tăng phần vốn góp của Nhà nước từ 39,29% lên 49,74%, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị địa phương làm rõ cơ sở đề xuất, phân tích sâu hơn nữa mối quan hệ của việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước với việc không có nhà đầu tư tham gia dự thầu.