Văn và đời: Hành trình tới cái đẹp

TP - Những người thực hiện Diễn đàn Sống Đẹp đã đến Trường PTTH Nguyễn Trãi (Ngô Quyền, TP Hải Dương) gặp gỡ, trò chuyện với tác giả bài văn “Sự im lặng đáng sợ của người tốt” Đỗ Thị Ngọc Anh (Lớp 11 chuyên Anh) và cô giáo dạy Văn Nguyễn Thanh Huyền - người ra đề.

> Về sự im lặng đáng sợ của người tốt

Cuộc trao đổi giữa chúng tôi với hai cô trò xoay quanh cách dạy văn, học văn và định hướng người trẻ tới những điều tốt đẹp.

Người ra đề: Cô giáo và “nhà thơ” 

Trước khi gặp, trao đổi qua điện thoai với phóng viên, ban giám hiệu nhà trường và cô giáo dạy văn Trường PTTH Nguyễn Trãi (Hải Dương) khá lo lắng khi được nhà báo hỏi thăm. 

Chúng tôi nói lý do gặp, trao đổi với cô giáo và tác giả bài văn “Sự im lặng đáng sợ của người tốt” để đăng trên diễn đàn SỐNG ĐẸP thì cô Huyền mới gặp.

Nhưng khi gặp nhau tại phòng giám hiệu, cô Huyền vẫn căng thẳng. Cô sợ gặp nhà báo, sợ hỏi, lấy thông tin một đằng, khi lên bài giật tít một nẻo. Vụ Canh gà Thọ xương ầm ĩ trên mạng cũng liên quan cách dạy văn học văn ám ảnh cô chăng?

Câu chuyện chuyển hướng khi cô Huyền nhắc tên vài đồng nghiệp của chúng tôi và “tiết lộ” cô là người quen của Tiền Phong.

Thầy Phan Tuấn Cộng, Hiệu trưởng nhà trường nói với chúng tôi: Cô Huyền từng đoạt giải A về thơ trong cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1994, khi là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội với bút danh Nguyễn Lam Điền.

Bài thơ “Em sẽ đến” đoạt giải, sau này được nhạc sỹ Lương Hải phổ thơ và trở thành một trong những bản tình ca được giới trẻ ưa thích qua tiếng hát của Ngọc Tân, Thùy Dung; trong đó có điệp khúc: Chỉ khi nào người đàn ông trong anh bật khóc/Em sẽ đến để thấm những giọt tâm hồn trên đôi mắt của anh…Cô Huyền là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương.

Có duyên nợ với Tiền Phong từ trước nên giờ gặp lại “người quen” cô Huyền cũng thấy yên tâm hơn, làm dịu không khí lo lắng ban đầu.

Trở lại bài văn của Ngọc Anh, chúng ta quan tâm cách ra đề, chuyện dạy văn của cô. Cô Huyền nói, đề nghị luận vừa giúp các em mở rộng kiến thức vừa luyện kỹ năng thi đại học sau này (trong đề đại học có phần thi nghị luận).

Cô thường đọc báo tìm thông tin và chọn cách ra đề gần gũi với cuộc sống. Và đề: Matin Luther King từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

Anh (chị) có suy nghĩ gì về ý kiến trên?, cũng nảy ra từ một lần cô đọc báo. Trước khi các trò làm bài, cô cung cấp thông tin cơ bản về Luther King và một số khái niệm như người tốt, người xấu... Học sinh về nhà tự tìm tài liệu, làm bài.

Người làm bài: Nói câu nào “chết” câu đó

Bài làm của Ngọc Anh về “Sự im lặng đáng sợ của người tốt” được cô Huyền đọc trước lớp. Đó là bài vượt khỏi những trang sách học trò để có những liên tưởng, suy ngẫm rất thời sự, rất đời.

Ngồi cạnh cô Huyền, Ngọc Anh luôn cười rất hiền. Ngọc Anh nói đã viết bài ấy một mạch, lấy câu chuyện một thanh niên cầu xin kẻ móc túi trước sự im lặng đáng sợ của nhiều người trên xe buýt, bắt đầu cho quá trình lý giải vì sao sự im lặng của người tốt lại đáng sợ.

“Bản thân em chưa có trải nghiệm nhiều. Em quan sát những gì diễn ra xung quanh để làm bài”- Ngọc Anh nói. “Tại gia đình, nhà trường và xã hội, Ngọc Anh đã chứng kiến sự im lặng đáng sợ của người tốt chưa? Đã bao giờ em cần giúp đỡ nhưng nhận lại là sự im lặng?”.

Nữ sinh này cười trong veo, ngập ngừng. Cô Huyền nhìn học trò vui vẻ: “Thi thoảng cô thường nói đùa với các em: Trong mỗi con người có một con ruồi và một kẻ hèn. Ruồi thì thích mật, thích ngọt. Kẻ hèn thì thích im lặng những lúc cần lên tiếng...”.

Thầy Tùng hiệu phó nói thêm: “Đọc bài của Ngọc Anh chắc em đã có trải nghiệm!”. Ngọc Anh cho biết, rất sẵn lòng giúp mọi người và lên tiếng bảo vệ cái đúng theo cách của mình, không im lặng như người ta đã im lặng trước lời van nài người thanh niên trên xe buýt.

“Em cảm thấy mình thế nào trong mắt bạn bè?”- chúng tôi hỏi. “Bạn bè nhận xét, em ít nói nhưng nói câu nào “chết” câu ấy”- Ngọc Anh cười. Cô Huyền nhận xét: “Ngọc Anh là người nghiêm túc!”.

Ngọc Anh là con gái thứ hai trong gia đình có hai anh em. Mẹ công tác ở đài truyền hình tỉnh, bố làm kinh doanh. 11 năm qua Ngọc Anh đều là học sinh giỏi.

Hồi nhỏ cô bé ước mơ trở thành phi công; lớn hơn chút thì muốn trở thành người dẫn chương trình. “Giờ thực tế hơn, em muốn sau này học Đại học Ngoại thương”- Ngọc Anh nói.

Văn & đời: Hướng tới cái đẹp!

Cô Huyền cho rằng, trước khi có hành động tốt đẹp trên thực tế, các em cần phải có nó trong suy nghĩ. Việc ra đề nghị luận sẽ khiến các em suy ngẫm trước những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, trước khi có hành động.

Cách ra đề theo như vừa rồi không phải cá biệt với cô Huyền. Một lần cô đọc báo viết vụ án Nguyễn Đức Nghĩa (kẻ cắt cổ người yêu). Trong vụ án này cô gái tên Yến đã che giấu tội ác của Nghĩa. Về hành động của Yến tác giả bài báo bình “vô cảm là tội ác”.

Cô tâm đắc câu này và dùng làm đề văn nghị luận để các em bày tỏ quan điểm trước sự vô cảm. Bài nào hay cô đọc cho cả lớp nghe, sau đó gửi đăng ở một số báo.

Có lần cô ra đề nghị luận viết về gia đình và xuất hiện có một bài làm khiến cô bàng hoàng. Cậu học sinh phát hiện bố phản bội mẹ nên căm ghét gia đình. Cô giấu tên tác giả bài văn, gửi đăng ở một tờ báo để cảnh tỉnh các bậc làm cha làm mẹ.

Với 17 năm dạy Văn, cô Huyền bày tỏ niềm tin với giới trẻ. Cô cho rằng, phong trào thanh niên tình nguyện là một nét đẹp.

Trong phong trào ấy, nhiều thanh niên tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng gian khó để tham gia thay đổi cuộc sống ở đó tốt hơn. Người tốt, việc tốt vẫn diễn ra hằng ngày ở mọi ngõ ngách.

Báo chí nên cân đối trong đưa tin tốt - xấu và cũng nên điều tiết cách thông tin. Cô ví dụ, trong giáo dục có rất nhiều sự hy sinh thầm lặng, nhiều điều tốt đẹp nhưng trước một sai sai sót dù nhỏ của một cá nhân hay đơn vị nào đó thì một số tờ báo thông tin như sỉ nhục người ta vậy! “Đôi khi đọc mà chảy nước mắt”- cô Huyền nói.

Cô Huyền cho rằng: Giáo viên, nhà báo, công an, bác sỹ… ai cũng làm tốt việc của mình thì xã hội sẽ tốt đẹp. Đơn giản vậy thôi!

Theo Báo giấy