Vạn trái tim thoi thóp chờ mổ

TP - “Cám ơn bác sĩ, đừng gọi cho tôi nữa. Cháu đã ra đi!”- một bác sĩ ở Viện Tim TPHCM buồn bã thuật lại lời bà mẹ khi bác sỹ gọi điện thông báo lịch mổ.
Một ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM). Ảnh: L.N

Lên lịch thì đã…

Đứa con trai đầu lòng sinh ra khôi ngô nhưng hai năm sau đó, chị Nguyễn Thị Bích ở huyện Dương Hòa, tỉnh Phú Yên phát hiện con mắc bệnh tim với tứ chứng Fallot, sau khi đưa vào Viện Tim TPHCM thăm khám năm 2007.

Được chỉ định mổ vào tháng 1/2008 với khoản chi phí 80 triệu đồng, chị Bích về quê gom góp được 50 triệu đồng, vay thêm ngân hàng 30 triệu nữa nhưng đợi đến năm 2011 con trai chị vẫn chưa được mổ. “Bác sĩ bảo do còn gần 5 nghìn bệnh nhân chờ mổ nên cứ về nhà khi nào bác sĩ gọi thì đưa con vào”- chị Bích cho hay.

Đầu năm 2013, không còn kiên nhẫn, chị Bích đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để mổ nhưng bác sĩ ở đây cho biết phải chờ, vì gần 2 nghìn trẻ bị tim như con chị có chỉ định mổ… đang chờ. Chị Bích đành chấp nhận ngồi nhà chờ bệnh viện gọi tên. Đầu năm 2014, khi bác sĩ ở Viện Tim TPHCM thông báo chuẩn bị đưa con vào mổ cũng là lúc con trai chị Bích qua đời vì biến chứng nặng.

Ngồi ở ghế đá trong khuôn viên Viện Tim TPHCM, chị Nguyễn Thị Bé Ba ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xanh xao vì căn bệnh hở van hai lá kèm tăng áp động mạch. Chị Ba đã có chỉ định mổ từ năm 2008 nhưng chưa nghiêm trọng nên được yêu cầu về nhà và tái khám. “Khi nào sắp xếp được lịch mổ chúng tôi sẽ gọi”- chị Ba kể lại lời bác sỹ của viện này.

Ba năm nay, chị Ba gần như tuần nào cũng “ghé thăm” Viện Tim TPHCM. Lúc nào hỏi thăm đã đến lượt mổ chưa đều nhận được trả lời “còn nhiều bệnh nhân nguy kịch hơn nên phải ưu tiên họ”. Tháng 1/2014, chị Ba vay mượn đóng 70 triệu đồng sau khi nhận được thông báo từ Viện Tim TPHCM nhưng đến nay chị Ba vẫn chưa đến lượt mổ. “Đêm nào tôi cũng cầu trời, khấn phật mong được lên bàn mổ. Nhiều lúc còn nằm mơ mình vừa được mổ nữa”- chị Ba nói.

“Đi đâu cũng kẹt”- đó là than phiền của anh Trần Đình Đang, 37 tuổi ở Khánh Hòa. Con trai anh Đang 4 tuổi, được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ định mổ từ năm ngoái nhưng đến tháng 2 năm nay mới may mắn có lịch lên bàn mổ. Sau đó, bác sĩ cho biết phải đến tháng 4 mới mổ được vì phòng hậu phẫu đã chật kín.

Chịu chết đến bao giờ

Bác sĩ Phan Kim Phương- Giám đốc Viện Tim TPHCM cho biết có khoảng 5 nghìn bệnh nhân đang chờ mổ nơi đây, trong đó có khoảng 70% bệnh nhân có khả năng đóng chi phí, số còn lại là người nghèo đã và đang chờ sự giúp đỡ xã hội.

Dù đã mổ hết công suất nhưng lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đến nay vẫn còn 2.000 bệnh nhi mắc tim bẩm sinh đang chờ đến lượt. Con số cũng tương tự như tình hình tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

PGS- BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa tim mạch – Bệnh viện Nhi đồng 1, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và Tim bẩm sinh TPHCM, cho biết mỗi năm cả nước có khoảng 10.000 trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh, 80% trong số đó bị thông liên thất và tiếp đến là thông liên nhĩ, một nửa trong số đó mắc bệnh tim bẩm sinh nặng cần phải can thiệp ngay. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Tăng tần suất mổ, mở thêm khoa mổ tim nhưng thực tế giải quyết được hàng nghìn ca mắc bệnh mỗi năm là nan giải. Tại khoa Tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 có 5 bác sĩ chuyên mổ nhưng nhiều khi cũng thảnh thơi mặc cho hàng nghìn bệnh nhi đang chờ.

Bác sĩ Vũ Minh Phúc cho rằng không phải bệnh nhi chờ đợi mổ vì thiếu tiền mà vì thiếu giường hồi sức sau mổ. “Có bệnh nhi hôm nay lên lịch mổ nhưng mổ xong không có giường, máy móc để hồi sức nên phải hẹn lại”- bác sĩ Phúc cho hay. Theo bác sĩ Phúc, nhiều lần đề xuất mở rộng phòng mổ, phòng hồi sức nhưng vướng “lệnh cấm” không cho mở rộng xây mới bệnh viện trong nội thành.

“Đối với những gia đình có tiền, vì chờ đợi lâu phải đi nước ngoài mổ với giá 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ca. Trong khi đó ở các bệnh viện Việt Nam chi phí cho phẫu thuật tim khoảng 100 triệu đồng. Còn trẻ em dưới 6 tuổi ngoài bảo hiểm y tế thanh toán, chi phí chỉ 20-30 triệu đồng”- PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh- Phó Chủ tịch Hội Tim mạch TPHCM, cho hay.