> Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước
> Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh
TS Đinh Xuân Thảo nói: Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội sẽ lấy tín nhiệm đồng loạt đối với 49 chức danh lãnh đạo cao nhất từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC… Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong hoạt động của Quốc hội nhằm thực hiện chức năng giám sát của nhân dân thông qua ĐBQH.
Trên cơ sở đó, Quốc hội thực hiện đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Đây là lần đầu thực hiện công việc này cho nên cách làm, cách triển khai như thế nào để đảm bảo tính khách quan, thực chất, có hiệu quả thực sự là không đơn giản.
Cần thực chất, khách quan
Ngay sau khi Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua, nhiều người lo lắng một số cán bộ sẽ có biểu hiện “nép mình” hoặc “tròn vo” để không mất lòng ai?
Trước hết, tôi nghĩ việc lấy phiếu dễ rơi vào hai trạng thái, một là làm sẽ rất hình thức, Quốc hội cứ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, coi như đây là lần đầu, là tập dượt. Cho nên nội dung, kết quả lấy phiếu chưa được quan tâm đúng mức.
Nhưng cũng có thể có tình trạng đánh giá của ĐBQH sẽ quá khắt khe. Cũng như một ông thầy chấm điểm, có thể ông ấy nới tay quá hoặc cũng có thể chấm chặt quá, đều sẽ không phản ánh đúng thực chất kết quả lấy phiếu.
Chấm lỏng quá, người được lấy phiếu sinh ra chủ quan bảo “có gì đâu”, “việc này cũng bình thường thôi”, “không có gì đáng ngại”. Còn nếu chấm chặt quá, những người giữ chức vụ đó sẽ e dè, ngại va chạm, họ sẽ làm thế nào đó cho được lòng mọi người, được phiếu của ĐBQH. Như thế việc lấy phiếu không đạt yêu cầu.
Thưa ông, điều mà dư luận băn khoăn là thông tin về các chức danh được lấy phiếu liệu có đến với các đại biểu một cách chính xác, khách quan?
Để việc lấy phiếu đạt kết quả tốt, đại biểu phải nghiên cứu hồ sơ của 49 chức danh để có cơ sở cho việc bỏ phiếu. Phải căn cứ chức năng nhiệm vụ đối tượng lấy phiếu để xem xét, đánh giá kết quả công việc của người đó.
Có trường hợp làm rất tốt nhưng báo chí không nêu, không ai biết; nhưng ngược lại có người một hai việc làm chưa tốt mà báo chí nêu ra thì đại biểu phải thận trọng. Nếu chỉ dựa vào một kênh thông tin nào đó sẽ dễ dẫn đến cách nhìn cảm tính khi đánh giá tín nhiệm thấp hay cao một ai đó sẽ là không công bằng.
Trong Quy chế, UBTVQH đã giao Ban Công tác đại biểu có trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết về từng chức danh cho đại biểu trước khi lấy phiếu. Đồng thời, từng đồng chí trong diện lấy phiếu phải có báo cáo đầy đủ công việc của mình với đại biểu Quốc hội.
Nhưng vấn đề là ĐBQH có xem các báo cáo đó không và báo cáo đó sẽ được trình bày như thế nào trước Quốc hội?
Nếu để từng người ra trình bày sẽ mất rất nhiều thời gian, Quốc hội cũng không thể có thời gian để nghe toàn bộ báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trước khi bỏ phiếu chỉ nên nêu những mặt cơ bản nhất để đại biểu cho ý kiến, nếu thấy có vấn đề gì cần làm rõ hơn đối với một chức danh nào đó thì sẽ tập trung vào đó thảo luận. Vấn đề thứ hai, chúng ta phải công khai kết quả lấy phiếu ngay sau đó.
Nếu việc lấy phiếu mà đánh giá đúng mức độ tín nhiệm thì việc công khai rất tốt. Nhưng nếu kết quả lấy phiếu không phản ánh đúng tín nhiệm người được lấy phiếu thì sẽ gây tâm lý xã hội hoang mang, thậm chí bất bình. Trong trường hợp sự đánh giá đó nặng nề quá cũng không hay.
Chúng ta cũng thật khó hình dung kết quả lần đầu lấy phiếu sẽ như thế nào vì tất cả vẫn còn quá mới mẻ. Nhưng chắc chắn Quốc hội cũng như Trung ương đều mong muốn mọi sự đánh giá khách quan, công bằng, chính xác chứ không phải là làm một cách hình thức.
Tôi nghĩ đây cũng là công việc tiếp nối thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng mạnh hơn.
Do đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện việc lấy phiếu bỏ phiếu tín nhiệm, theo ông ĐBQH cần lưu ý những vấn đề gì?
Chúng ta phải thực sự tôn trọng ý kiến đại biểu, phải để cho từng đại biểu phát huy quyền làm chủ của mình. Muốn vậy, đại biểu phải được cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống nhất. Bên cạnh kênh thông tin từ Ban Công tác Đại biểu, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần rất quan trọng.
Nhưng trong mấy chục chức danh sẽ lấy phiếu, nếu báo chí ca ngợi ông A quá mà phê phán ông B quá cũng không nên. Với từng con người, việc đánh giá phải rất công bằng. Lĩnh vực của anh làm được 5 việc tốt, 5 việc còn lại chưa tốt thì cũng phải nói rõ chưa tốt vì sao.
Chẳng hạn ngoại thương đang có khó khăn, hàng tồn kho lớn, quan trọng là anh có giải pháp, đã chủ động tháo gỡ hay là chả làm gì. Cần có thông tin đầy đủ để từng đại biểu thể hiện trách nhiệm của mình. Đại biểu không thể đánh giá theo kiểu thích ông này không thích ông kia theo cảm tính được.
“Đánh giá của đại biểu sẽ góp phần quyết định, làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao mạnh lên, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước. Nếu đánh giá không đúng sẽ dẫn đến tiêu cực, làm thui chột ý chí, sự quyết tâm, sự sáng tạo và quyết liệt của từng vị trí lãnh đạo”
TS Đinh Xuân Thảo
Đại biểu phải đề cao trách nhiệm của mình trước dân, trước Đảng, trước cử tri. Cử tri mong đợi và ủy quyền cho anh ấn nút bỏ phiếu thì việc bỏ phiếu phải chính xác, phải thực chất. Đảng cũng mong muốn Quốc hội đánh giá đúng để góp phần làm cho công tác cán bộ của Đảng tốt hơn, góp phần làm cho đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chiến lược cấp cao được đánh giá đúng về năng lực, đúng về uy tín lãnh đạo.
Kết quả cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của các ĐBQH. Nếu chúng ta làm tốt việc lấy phiếu sẽ góp phần nâng cao uy tín của Đảng, của Quốc hội trước nhân dân, còn nếu làm không tốt thì lợi bất cập hại, có thể sẽ có những kết quả không như mong muốn.
Phải nói đây là thử thách rất lớn đối với Quốc hội, cho nên vừa rồi khi đề cập việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có rất nhiều ý kiến băn khoăn, không muốn đưa thêm quy định lấy phiếu tín nhiệm vào dự thảo. Việc lấy phiếu có thể chỉ làm theo từng giai đoạn phù hợp thôi, như với giai đoạn hiện nay thì việc lấy phiếu rất cần thiết. Tôi cho rằng, việc lấy phiếu lần này vẫn mang tính chất thí điểm, chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Có ý kiến băn khoăn liệu có sự vận động để “chạy phiếu”, ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
Quốc hội lấy phiếu tức là đã đặt lên bàn cân, cho nên cần phải đánh giá công tâm giữa công và tội. Nhưng có những vấn đề thực sự ngày hôm nay chúng ta cũng chưa đánh giá, chưa lý giải được hết.
Tôi nghĩ, ý kiến của nhân dân rất quan trọng, nhân dân rất sáng suốt, nhưng không phải mọi trường hợp người dân đều có đủ thông tin. ĐBQH phải tiếp xúc cử tri, phải lắng nghe và phải hỏi ý kiến. Nếu nhân dân đã nêu đích danh, đã chỉ rõ một số chức vụ cụ thể mà nhân dân thấy bất bình thì các Đoàn ĐBQH phải ghi nhận, xem xét thận trọng vì đó là ý nguyện của nhân dân.
Tìm cách “vận động” để có phiếu trong lúc này sẽ là rất nguy hiểm. Nhưng tôi nghĩ việc đó cũng khó xảy ra. Trước đây, khi bỏ phiếu đối với ĐB Đặng Thị Hoàng Yến, Quốc hội phải tiến hành rất thận trọng. ĐBQH phải khách quan, thể hiện chính kiến của mình. Tuyệt đối không có chuyện vận động, thậm chí mọi người cũng không ai dám nói rằng cô ấy như thế là sai rồi đấy. Không ai được phép làm như vậy cả.
“Không có trường hợp nào cho nghỉ, có lẽ không nên”
Nếu qua lấy phiếu mà tín nhiệm thấp (trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”), Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm vị trí đó ngay tại kỳ họp, như vậy có thể sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng?
Tôi tin là ĐBQH sáng suốt đánh giá. Nếu có một vài trường hợp nào đó mà kết quả bỏ phiếu đạt tín nhiệm thấp cũng là điều rất bình thường. Nếu mà đại đa số đại biểu không tín nhiệm một người đó thì có lẽ việc xem xét cho thôi chức vụ ngay trong tại kỳ họp này cũng là thỏa đáng.
Đây là lần lấy phiếu đầu tiên trong khóa này, nhưng thời điểm đã là giữa nhiệm kỳ, đã có đủ thời gian để người giữ cương vị đó thể hiện năng lực của mình.
Vì vậy, ai đó bị bất tín nhiệm cũng nên xem xét cho thôi chức vụ. Nhưng nếu số người bất tín nhiệm lại nhiều quá thì cũng là chỗ phải xem xét. Bởi như lúc đầu tôi nói, cái cách cho điểm của người thầy bao giờ lần đầu tiên có thể anh chấm quá lỏng hay quá chặt, rất dễ rơi vào cảm tính hoặc nó có thể liên quan đến lợi ích nhóm, lợi ích ngành…
Nhưng không thể nói vì đây là lần đầu, làm thử, mà đề nghị là không có trường hợp nào cho nghỉ thì có lẽ không nên. Quy định đã có rồi, anh rơi vào trường hợp đó, anh phải chấp nhận.
Ở đây, có lẽ là sẽ không có chuyện phúc tra. Mà thực ra là có hai vòng chấm, qua lấy phiếu mà anh có tín nhiệm thấp quá thì lúc đó còn phải đưa ra bỏ phiếu lần nữa. Đấy cũng là cơ hội cho anh rồi.
Nguyễn Tuấn
Thực hiện