J. Fossenbell nói: Gần đây tôi tìm đọc các tác phẩm thơ Việt Nam đương đại đã được dịch ra tiếng Anh và ấn tượng với thơ của Hữu Thỉnh, Trần Quang Quý, Nguyễn Trọng Tạo, Tuyết Nga, Nguyễn Phan Quế Mai, Vi Thùy Linh.
Tôi đang đọc tập thơ song ngữ tuyển các bài thơ nữ của Việt Nam và qua đó hiểu thêm về lịch sử đáng tự hào của văn học Việt và thưởng thức thơ của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm cũng như tìm hiểu về ảnh hưởng của ca dao lên thơ ca Việt.
Những gì tôi biết về văn học Việt là rất ít, nhưng càng đọc, tôi càng muốn tìm hiểu thêm. Tôi thấy rằng Việt Nam có một lịch sử văn chương rất lâu đời và phong phú.
Là đại biểu chính thức của Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, chị có góp ý gì về chương trình hội nghị?
Chương trình hội nghị mà tôi nhận được rất hoành tráng và bao trùm nhiều vấn đề. Nhưng tôi nghĩ để việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài thành công, chúng ta không chỉ bàn tới sản phẩm của văn chương Việt mà còn nên bàn tới những vấn đề cần thiết khác như mạng lưới phân phối, cách tiếp cận với độc giả nước ngoài, và cách tiếp thị sản phẩm. Ngoài ra, hội nghị cần bàn tới những vấn đề dịch thuật.
Dịch các tác phẩm văn học là một điều rất khó, vì thế đây là cơ hội quý báu để các dịch giả, nhất là các dịch giả trẻ trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ngoài ra, tôi mong rằng các hội thảo chuyên đề sẽ được diễn ra một cách thẳng thắn, sôi nổi, các tác phẩm văn chương Việt được trình bày một cách sáng tạo, đi vào lòng người.
Chị mong đợi gì từ hội nghị này?
Tôi nghĩ hội nghị này rất cần thiết trong việc giúp văn chương Việt Nam mở rộng sự hiện hữu của mình ra thế giới và tôi tin rằng, với chương trình và thời gian của hội nghị, chúng ta sẽ cùng nhau làm được điều đó.
Tôi mong chờ sẽ được gặp các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà xuất bản, những người biên tập _ những con người yêu thích văn chương quốc tế nói chung và văn chương Việt nam nói riêng.
Tôi hy vọng sẽ được hiểu nhiều thêm về văn học Việt Nam, những thử thách và những mục tiêu Việt Nam đang nhắm tới trong tiến trình hội nhập với văn học thế giới.
Tôi muốn rời hội nghị với kiến thức có thể áp dụng được và một ngọn lửa ngoại giao văn hóa để giúp tôi có thể giới thiệu cho bạn bè thế giới về văn hóa Việt Nam, thông qua văn chương Việt Nam.
Theo thống kê của Hội Nhà văn Việt Nam, từ trước đến nay chỉ có khoảng 540 tác phẩm văn chương Việt được dịch sang các ngôn ngữ khác. Chị nghĩ thế nào về tiềm năng xuất khẩu văn học Việt?
Tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu văn học rất lớn. Như tôi đã đề cập, các bạn có chiều dày lịch sử văn học rất phong phú và đa dạng. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách, giới đầu tư và cả những người đang dõi theo những bước tiến của đất nước các bạn.
Thế hệ trẻ hiện nay đang khát khao về một thế giới chung, một thế giới hợp nhất, và thế giới đó bao gồm cả thế giới văn chương.
Tôi tin rằng rất nhiều người đang muốn tìm hiểu về một Việt Nam "thật", một Việt Nam giàu truyền thống, văn hóa, có chiều rộng và chiều sâu hơn một Việt Nam đã nổi tiếng về những cuộc chiến tranh.
Chị có kế hoạch gì trong việc quảng bá văn chương Việt?
Tôi vừa cùng nhà thơ trẻ Nguyễn Phan Quế Mai tuyển và dịch tập thơ Cánh Đồng Người của Trần Quang Quý sang tiếng Anh.
Tôi đã gửi bản thảo tập thơ sang Mỹ và nhận được những phản hồi rất tích cực.
Tạp chí thơ Wazee Independent Journal ngỏ lời muốn giới thiệu về tập thơ này trong số tới.
Tập thơ này sẽ phát hành tại Việt Nam nhân dịp Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng Nguyễn Phan Quế Mai tiếp tục tuyển chọn các nhà thơ Việt Nam tiêu biểu và đưa các tác phẩm của họ ra nước ngoài.
Tôi rất hạnh phúc và phấn khích được cộng tác cùng các nhà thơ Việt Nam và hy vọng sẽ giúp văn chương Việt Nam tiếp cận với các độc giả Mỹ qua những mối quan hệ sẵn có của tôi trong giới văn chương tại Mỹ.
Nguyễn Phan Quế Mai
Thực hiện