Mới đây, Nghị quyết số 84/NQ-CP đã được ban hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Một trong những giải pháp được nhiều người quan tâm là việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020.
Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp đến hết ngày 31/12/2020, đồng thời cũng gửi đến một số cơ quan để lấy ý kiến.
Là một trong những cơ quan đã từng đề xuất về việc giảm lệ phí trước bạ khi mua ôtô, Hiệp hội các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) đã chia sẻ với Tiền Phong về ý kiến sau khi nhận được dự án Nghị định: "VAMA trân trọng và ủng hộ nỗ lực của cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy thị trường, hồi phục kinh tế".
Đồng thời, hiệp hội cũng có kiến nghị lên chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ ban hành Nghị định, giúp kích cầu cho ngành ôtô: "VAMA kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định càng sớm càng tốt để khách hàng không phải chờ đợi".
Theo quy định hiện hành, mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, các loại xe tương tự là 2%. Riêng ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống nộp lần đầu ở mức 10% (thành phố trực thuộc Trung ương tăng không quá 50%) và mức thu từ lần thứu 2 trở đi là 2%. Trong khi đó, xe bán tải và VAN (khối lượng chuyên chở dưới 1.500 kg) có mức thu lần đầu bằng 60% của ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống và mức thu từ lần thứ 2 trở đi là 2%.
Dự thảo Nghị định có nêu ra 2 phương án thực hiện. Đầu tiên, áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% so với trước đây đối với tất cả các loại ôtô. Trong khi đó, phương án 2 là áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống, xe bán tải và VAN (có khối lượng chuyên trở dưới 1.500 kg).
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện theo phương án 1, sẽ đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra là nhằm kích thích tiêu dùng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Liên hệ với Bộ Tài chính, PV Tiền Phong được biết Bộ đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan và gửi sang Bộ Tư pháp để xem xét lại lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành chính thức.
Khi được công bố chính thức, Nghị định mới được kỳ vọng sẽ giúp kích thích tiêu dùng trong nước, đặc biệt đối với ngành công nghiệp ôtô (đang chiếm tới 3% GDP cả nước) trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang tăng trưởng về doanh số khá mạnh.