Valentine có nguồn gốc từ ngày bắt đầu mùa giao phối của chim?

TPO - Trong thời Trung cổ, ở cả Anh và Pháp, người ta thường coi 14/2 là ngày bắt đầu mùa giao phối của chim.
Ảnh minh họa: National Geographic

Lịch sử đẫm máu

Dù các sử gia vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc chính xác của ngày Valentine, thì có một điểm chung giữa các câu chuyện là chúng đều thấm đượm máu và nước mắt.

Truyền thuyết nổi tiếng nhất về ngày Valentine là câu chuyện có liên quan đến Thánh Valentine (hay Valentinus), một vị giáo sĩ La Mã sống dưới thời Hoàng đế Claudius II vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên

Vào thời điểm ấy, Hoàng đế La Mã Cladius II ra lệnh cấm toàn bộ thanh niên trong đế chế kết hôn, bởi ông tin rằng những người lính không lấy vợ có khả năng chiến đấu tốt hơn.

Nhưng với tấm lòng nhân hậu, giáo sĩ Valentine vẫn bất chấp hiểm nguy, bí mật tìm cách kết duyên cho các cặp tình nhân trẻ. Khi hành động này bị phát giác, Valentine bị bỏ tù. Hoàng đế Claudius ra lệnh xử trảm ông vào ngày 14/2 năm 273.

Thánh Valentine làm lễ rửa tội cho Thánh Lucilla trước khi bị xử tử, trong bức họa của Jacopo da Ponte vào thế kỉ 16. Ảnh: Supplied

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một truyền thuyết khác ít người biết về ngày lễ Valetine.

Theo một giả thuyết, từ ngày 13 đến 15/2 hàng năm, người La Mã thường tổ chức lễ hội Lupercalia. Trong lễ hội này, nhiều con vật bị giết để hiến tế, và những người phụ nữ thường lau máu của chúng lên người với niềm tin rằng chuyện sinh sản sẽ trở nên thuận lợi.

Mùa giao phối của chim

Trong thời Trung cổ, ở cả Anh và Pháp, người ta thường coi 14/2 là ngày bắt đầu mùa giao phối của chim.

Từ đó, ngày đặc biệt này được coi là ngày gắn liền với tình yêu và sự hòa hợp.

Văn tự đầu tiên về Valentine

Cụm từ “Valentine” mang ý nghĩa tình nhân được nhắc đến lần đầu bởi Charles, Công tước của New Orleans vào năm 1415.

Vào thời điểm ấy, công tước đã viết một bài thơ tình gửi vợ, có tựa đề “Vĩnh biệt tình yêu” khi ông bị giam giữ ở Tháp London vì thua trận Agincourt.

Tháp London - nơi Công tước Charles viết bài thơ tình kết thúc bằng cụm từ "Valentine". Ảnh: iStock

Bài thơ được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Anh ở London. Bài thơ kết thúc bằng câu: “Anh đã phát sốt vì yêu/Valetine dịu dàng của anh”

Chocolate có sức mạnh cứu rỗi trái tim

Từ những năm 1800, các bác sĩ bắt đầu kê chocolate vào đơn thuốc cho những người mắc bệnh vì yêu. Ở một số nơi, người ta tin rằng chocolate có công dụng chữa lành những con tim tan vỡ.

Khi y học phát triển, các bác sĩ cũng xác nhận chocolate có thể cải thiện tâm trạng và có chất chống trầm cảm.

Tòa án tình yêu

Một tòa án tình yêu đã tồn tại trong thời Trung cổ ở Pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến tình yêu, ví dụ chuyện tranh chấp giữa các cặp vợ chồng.

Tòa án được thành lập vào thế kỷ 15 bởi Công chúa Isabel của Bavaria. Đứng trước tòa, người nào được xác định phạm tội sẽ bị trừng phạt thích đáng.

Tòa án đặc biệt này được cho là cực kì bận rộn vào dịp lễ Valentine và các ngày sau đó.

Ngày Độc thân

Để “đáp trả” không khí ngập tràn tình yêu trong ngày lễ Valetine 14/2, cộng đồng những người “chăn đơn gối chiếc” trên thế giới từ lâu đã quyết định lấy 15/2 làm ngày hội chính của lễ Độc thân.

Trong ngày này, hội người độc thân sẽ tổ chức ăn mừng linh đình để những người xung quanh thấy rằng “một mình cũng chẳng sao cả”.

Theo Theo News.com.au