Hình ảnh đó vừa phản ánh thực tế là rác chất đống ở Paris mà không được thu gom, khi các nhân viên vệ sinh môi trường cũng đình công, đồng thời cho thấy điều mà nhiều người Pháp đang nghĩ về nhà lãnh đạo của họ.
Ông Macron hy vọng nỗ lực tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 sẽ củng cố di sản của ông như một vị tổng thống có công biến đổi nền kinh tế Pháp trong thế kỷ 21. Nhưng thay vào đó, vai trò lãnh đạo của ông đang bị hoài nghi, ở cả trong Quốc hội Pháp và trên đường phố khắp các thành phố lớn.
Bước đi quyết liệt của ông nhằm thông qua dự luật cải cách lương hưu mà không để Quốc hội bỏ phiếu khiến phe đối lập nổi giận và có thể cản trở các đề xuất của chính phủ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của ông.
Biểu tình leo thang trên phố sau khi ông Macron quyết định dùng quyền lực đặc biệt được quy định trong hiến pháp để thông qua dự luật, vượt qua cuộc bỏ phiếu của Quốc hội.
Trong phát biểu đầu tiên về vấn đề này kể từ quyết định đó, nhà lãnh đạo 45 tuổi bày tỏ mong muốn dự luật “sẽ đi đến cuối con đường dân chủ trong không khí tôn trọng mọi người”, tuyên bố được văn phòng của ông đưa ra cho biết.
Từ khi trở thành tổng thống năm 2017, ông Macron thường bị chê là kiêu căng và ngoài tầm với. Bị gọi là “tổng thống của người giàu”, ông Macron gây phẫn nộ khi nói với một người đàn ông vô gia cư rằng ông ấy chỉ cần “đi sang bên kia đường” để tìm việc và gợi ý rằng một số công nhân Pháp “lười biếng”.
Giờ đây, chính phủ của ông Macron càng xa rời dân thường khi sử dụng quyền lực đặc biệt để đưa dự luật cải cách lương hưu vào thực tế, Brice Teinturier, phó tổng giám đốc Viện Khảo sát dư luận Ipsos, đánh giá.
Ông Teinturier cho rằng, người chiến thắng duy nhất sau sự kiện vừa qua là chính trị gia cực hữu Marine Le Pen và đảng Mặt trận quốc gia của bà. Bà Le Pen là đối thủ theo sát ông Macron trong 2 cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Khi những đống rác ở Paris ngày càng cao và mùi ngày càng nặng, càng có thêm nhiều người chỉ trích ông Macron, thay vì đổ lỗi cho nhân viên vệ sinh môi trường.
Ông Macron nhiều lần cho rằng hệ thống lương hưu của Pháp cần thay đổi để bảo đảm an toàn hệ thống. Ông cho rằng những lựa chọn khác, như tăng thuế, sẽ đẩy các nhà đầu tư đi xa, còn giảm lương hưu cho những người đang hưởng lương hưu hiện nay là cách không thực tế.
Những lựa chọn khó khăn
Các đối thủ chính trị của ông Macron trong Quốc hội Pháp đề xuất hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne. Chính phủ của bà Borne hy vọng sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 20/3 vì phe đối lập đang chia rẽ.
Tuy nhiên, nếu đa số bỏ phiếu bất tín nhiệm, đó sẽ là đòn giáng mạnh đối với ông Macron: Dự luật cải cách lương hưu sẽ bị bãi bỏ và nội các sẽ bị giải tán. Trong trường hợp đó, Tổng thống Macron sẽ phải bổ nhiệm nội các mới và năng lực thông qua các dự luật trong Quốc hội sẽ bị suy giảm.
Ông Macron hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp của Pháp xuống 5% từ mức 7,2% hiện nay. Nếu vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, ông Macron sẽ nâng tuổi nghỉ hưu nhưng có thể xoa dịu phe chỉ trích bằng cách cải tổ chính phủ.
Dù với cách nào đi nữa, ông Macron vẫn sẽ làm tổng thống cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2027 và vẫn có quyền lực lớn trong chính sách đối ngoại, quốc phòng và các vấn đề liên quan đến Liên minh châu Âu. Với vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, ông sẽ tiếp tục đưa ra những quyết định của Pháp đối với Ukraine và các vấn đề toàn cầu mà không cần Quốc hội chấp thuận.
Một lựa chọn khác của ông Macron là giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm.
Kịch bản đó có vẻ không khả thi trong thời điểm này, vì sự phản đối mạnh mẽ với dự luật lương hưu sẽ khiến liên minh chính trị của ông Macron khó có thể giành được đa số ghế. Nếu một đảng khác chiến thắng, ông sẽ phải bổ nhiệm một thủ tướng từ nhóm chiếm đa số, trao quyền cho chính phủ triển khai những chính sách khác với ưu tiên của tổng thống.