USD ngân hàng vượt mốc 23.000 đồng

TPO - Tỷ giá USD ngày hôm nay (2/7) ở hầu hết các ngân hàng đều đã vượt qua mốc 23.000 đồng/USD và nhiều khả năng đồng USD sẽ còn tiếp tục tăng.
USD dự báo sẽ còn tăng

Ngày 2/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD Mỹ ở mức: 22.635 đồng (giảm 15 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước hiện mua vào ở mức 22.700 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.294 đồng (không đổi).

Tại Eximbank niêm yết tỷ giá ở mức 22.940 đồng (mua vào) và 23.060 đồng (bán ra). Tại ngân hàng ACB ở mức 22.930 đồng (mua vào) và 23.040 đồng (bán). Ngân hàng Vietinbank cũng niêm yết ở mức 22.948 đồng (mua) và 23.028 đồng (bán ra), cao hơn so với Vietcombank là 22.940 đồng (mua vào) và 23.010 đồng (bán ra).

Trong khi đó tại BIDV giá niêm yết thấp hơn ở mức 22.955 đồng (mua vào) và 23.025 đồng (bán ra)

Tại thị trường tự do, giá USD tự do cũng lên đỉnh 23.180 đồng. Đà tăng của đồng bạc xanh tại thị trường tự do bắt đầu từ cuối tuần qua. So với ba ngày trước, giá bán USD tại thị trường này đã tăng 80-90 đồng, còn giá mua USD ở mức 23.090-23.120 đồng/USD.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, lúc 9h50, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI mua vào tại 36,68 triệu đồng một lượng, bán ra tại 36,78 triệu đồng. Giá này tăng 20.000 đồng ở chiều mua và bán so với hôm qua.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá mua 36,67 triệu đồng, còn bán ra 36,85 triệu đồng, tăng 50.000 đồng so với hôm qua.

TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Xu hướng tỉ giá USD từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng”.

Theo ông Hiếu, năm nay, tỉ giá đô có thể biến động từ 1-3%. Đây là biến động mạnh so với năm ngoái. Lý giải về nguyên nhân, ông Hiếu cho rằng do tỉ lệ lạm phát có khả năng tăng cao hơn năm ngoái, giá trị tiền đồng giảm đi so với đồng tiền khác, giá UDS sẽ tăng. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục nhập siêu tăng cũng sẽ đẩy giá USD tăng.

Bên cạnh đó, ngoài việc ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ đánh tiếng sẽ tiếp tục tăng lãi suất lần hai thì tác động từ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, ngành nhôm, thép chịu thuế tới 25%, thu nhập ngoại tệ qua xuất khẩu giảm sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD.

Trước xu hướng tỉ giá tăng, người dân nên dự trữ tiền, vàng hay ngoại tệ để có lời? TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với mức lãi suất 7%/năm của các ngân hàng hiện nay thì việc gửi tiền mặt sẽ đảm bảo lợi nhuận cao hơn so với dự trữ USD, vàng.

“Giả thiết lạm phát 4% sẽ làm tiền đồng mất giá tương ứng, cộng với tỉ giá đồng USD tăng 3% theo dự báo vào cuối năm nay thì việc dự trữ USD cũng không lãi bằng mức tiền gửi 7% từ ngân hàng?” – ông Hiếu tư vấn.