Theo đó, tất cả trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố sẽ bước vào chiến dịch tiêm chủng ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin. Dự kiến, số lượng trẻ cần tiêm là 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Những trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh. Những trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do các địa phương quyết định.
Sau khi tiêm trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút. Phụ huynh người giám hộ của trẻ tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh cần liên hệ ngay với cơ sở y tế địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Nhóm trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện sẽ được tiêm ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác). Dự kiến, chiến dịch tiêm cho trẻ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 4/2022 và phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022. Thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn tất việc lập danh sách, tổ chức nhập liệu trước khi bắt đầu tiêm cho trẻ. Phụ huynh và người giám hộ của trẻ sẽ được cung cấp thông tin về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, UBND TPHCM yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm. Theo đó, xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu phải túc trực thường xuyên, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất. Trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm xe cấp cứu phải tiếp cận trong vòng 3 đến 5 phút sau khi nhận được thông báo.
Ngoài ra, tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu phù hợp. Xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng cần nhập viện.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan, giám sát xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng cho trẻ để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời cho trẻ, đặc biệt là trường hợp tai biến nặng.