Ukraine 'mắc kẹt' giữa Nga và EU

TP - Sáng sớm 11/12, cảnh sát và lực lượng an ninh Ukraine tràn vào quảng trường Độc Lập ở thủ đô Kiev, đụng độ phe biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovych cố thủ tại đây hơn hai tuần qua.

> Clip: Cảnh sát Ukraine trấn áp người biểu tình

Sự việc bùng nổ chỉ vài giờ sau cuộc gặp giữa ông Yanukovych với các quan chức ngoại giao phương Tây tới Kiev, nhằm cố gắng ngăn Ukraine lún sâu vào khủng hoảng chính trị và kinh tế. Trưởng phái đoàn ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đều phản đối việc Ukraine sử dụng vũ lực với người biểu tình. Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov cho biết, ông Yanukovych sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin lần thứ hai trong vòng một tuần.

Tờ New York Times (Mỹ) hôm 11/12 nhận định, Ukraine bị mắc kẹt trong cuộc chiến giành ảnh hưởng khốc liệt giữa Nga và EU. Xét về nguồn gốc lịch sử, văn hóa, Nga và Ukraine như buộc chặt số phận với nhau. Có hai Ukraine tồn tại trong một đất nước, sự chia rẽ thể hiện rất rõ.

Người Ukraine phía tây thừa nhận quyền lực của Giáo hoàng ở Roma, nói tiếng Ukraine và rất dân tộc chủ nghĩa. Người dân Ukraine phía đông đa số là tín đồ chính thống giáo và nói tiếng Nga. Ở bán đảo Crimea, phần lớn là người Nga sinh sống và khu vực này là một phần của Liên bang Nga cho tới năm 1954.

Từ khi Ukraine độc lập năm 1991, Nga vẫn cố gắng giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình. Nhà chính trị học Emmanuelle Armandon, chuyên gia về Ukraine, nhận định trên tờ Le Monde (Pháp): “Từ khi Liên Xô sụp đổ, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mátxcơva là giữ Ukraine trong tầm kiểm soát. Nga luôn xem Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ đương nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của mình. Điều này giải thích vì sao Mátxcơva không chấp nhận cho EU mở rộng biên giới về phía đông”.

Giằng xé

Theo các chuyên gia, không chỉ giằng xé về chính trị, kinh tế Ukraine cũng đứng trước sự lựa chọn hóc búa. EU dứt khoát không cấp viện trợ cho Ukraine mà chỉ hứa sẽ mở đường cho việc xây dựng khu vực tự do thương mại giữa Ukraine và EU, xóa bỏ 98% hàng rào quan thuế cho hàng Ukraine nhập vào châu Âu.

Mặc dù quy mô thị trường EU lớn gấp 10 lần Liên minh Thuế quan do Nga dẫn dắt, nhưng Ukraine rất khó len chân vào đây do chất lượng hàng hóa thấp. Để nhận được khoản hỗ trợ tài chính 500 triệu euro mỗi năm của EU, Ukraine phải cam kết giảm bội chi ngân sách, nâng cấp nền kinh tế yếu kém cho đạt với tiêu chuẩn châu Âu.

Trong khi đó, nếu gia nhập Liên minh Thuế quan của Nga, Ukraine lập tức được hưởng ngay nhiều ưu đãi mà nền kinh tế nước này đang rất cần. Thực tế, Ukraine phải nhập 60% khí đốt tiêu thụ từ Nga. Cuộc chiến khí đốt giữa hai nước thường xuyên diễn ra. Kiev đã trải qua ba cuộc khủng hoảng khí đốt trong giai đoạn 2005 - 2009.

Ukraine phải chi 410 USD để mua 1.000 m3 khí đốt của Nga, trong khi Armenia chỉ phải trả 190 USD. Ukraine là cửa ngõ để khí đốt từ Nga được chuyển tới các nước EU. Để bảo đảm nguồn cung, EU đề nghị hợp tác tay ba với cả Kiev lẫn Mátxcơva. Nhưng Nga đã bằng mọi giá gạt EU ra ngoài, để độc quyền kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí.

Ngoài khí đốt, Ukraine còn phụ thuộc Nga trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Ukraine xuất khẩu 1/4 hàng hóa sang thị trường Nga, tương đương 11 tỷ USD.

Hiện các doanh nghiệp Ukraine nợ các ngân hàng Nga khoảng 20 tỷ USD. Kinh tế Ukraine đang suy giảm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao, cần tới 20 tỷ USD để tránh bị phá sản, trong khi Mátxcơva hứa đầu tư hàng chục tỷ USD vào Ukraine. Kiev có kế hoạch chuyển nhượng cho các nhà đầu tư Nga nhiều tập đoàn nhà nước mang tính chiến lược, từ phân bón, hàng không, công nghệ không gian đến công nghiệp nặng.

Le Monde nhận định, Nga luôn dùng lá bài kinh tế để giữ chân Ukraine trong vòng kiềm tỏa của mình. Chừng nào Mátxcơva vẫn coi Kiev là sân sau của mình, Ukraine khó có thể quay lưng lại với Nga để ngả vào vòng tay EU.

Thục Ninh
tổng hợp

Theo Báo giấy