Phát biểu tối 10/3, Tổng thống Zelensky không trực tiếp đề cập đến Giáo hoàng Francis hay phát biểu của ông, mà chỉ nhắc đến các nhân vật tôn giáo đang giúp đỡ Ukraine. “Họ ủng hộ chúng tôi bằng lời cầu nguyện, bằng các cuộc thảo luận và bằng hành động. Đó thực sự là nhà thờ với người dân”, ông Zelenskiy nói. “Chứ không phải cách đó 2.500 km, ở đâu đó, có sự hòa giải ảo giữa người muốn sống và người muốn loại bỏ bạn”.
Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, viết trên nền tảng X, rằng kẻ mạnh trong bất kỳ tranh chấp nào phải là người "đứng về phía điều tốt đẹp, hơn là cố gắng đặt họ ngang hàng và gọi đó là đàm phán”.
“Lá cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đó là lá cờ mà chúng tôi đã sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương cao bất kỳ lá cờ nào khác”.
“Tôi kêu gọi Vatican tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và hỗ trợ Ukraine cũng như người dân nước này”, ông Kuleba viết, dường như đề cập đến cáo buộc cho rằng Giáo hoàng Pius XII đã không hành động chống lại Đức quốc xã trong Thế chiến II.
Người đứng đầu Giáo hội Công giáo Nghi lễ phương Đông có 5 triệu thành viên của Ukraine - Sviatoslav Shevchuk cũng bác bỏ những bình luận của Giáo hoàng Francis.
"Ukraine bị thương, nhưng chưa bị chinh phục! Ukraine kiệt sức nhưng vẫn đứng vững và sẽ đứng vững! Tin tôi đi, không ai có ý định đầu hàng”.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó với đài truyền hình RSI của Thuỵ Sĩ, Giáo hoàng Francis được hỏi về quan điểm đối với cuộc tranh luận rằng Ukraine nên lùi bước vì không thể đẩy lùi Nga, hay không nên lùi bước vì như vậy sẽ hợp pháp hoá hành động của bên mạnh hơn.
“Đó là một cách nghĩ. Nhưng tôi cho rằng người mạnh nhất là người có thể nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng, rồi đàm phán”, Giáo hoàng nói. “Từ ‘thương lượng’ là một từ can đảm. Khi bạn thấy rằng mọi việc không diễn ra tốt đẹp, bạn phải có can đảm để thương lượng. Thương lượng không phải là đầu hàng, mà là can đảm để không dẫn quốc gia của mình đến chỗ nguy hiểm”.
“Họ có thể cảm thấy xấu hổ. Nhưng một cuộc xung đột sẽ kết thúc với bao nhiêu thương vong? Họ nên đàm phán kịp thời, tìm một quốc gia có thể làm trung gian hòa giải”, Giáo hoàng Francis nói và đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ như một ứng viên tiềm năng.
Đây được cho là lần đầu tiên Giáo hoàng Francis sử dụng cụm từ “cờ trắng” khi thảo luận về cuộc chiến Ukraine, mặc dù trước đây ông đã từng nói về sự cần thiết phải đàm phán.
“Đừng xấu hổ khi đàm phán, trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn”, Giáo hoàng nói. Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng tham gia hòa giải hay không, Giáo hoàng trả lời: "Tôi ở đây".
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Vatican - Matteo Bruni cho biết Giáo hoàng sử dụng từ “cờ trắng” vì đây là từ mà người phỏng vấn đặt ra, và Giáo hoàng dùng nó “để biểu thị sự chấm dứt thù địch và một thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ sự can đảm của các cuộc đàm phán”.