UAE từ lâu đã tìm cách mua dòng tiêm kích tiên tiến nhất, được trang bị công nghệ tàng hình để tránh bị kẻ thù phát hiện. Nếu Mỹ chấp thuận, UAE sẽ trở thành quốc gia thứ hai ở Trung Đông mua được phương tiện chiến đấu này, sau Israel.
Ông Trump đã ký thỏa thuận trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ năm 2021, nhưng dừng đàm phán vào cuối năm đó vì không thống nhất được các điều khoản với chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
Reuters dẫn 3 nguồn tin cho biết, nếu ông Trump đắc cử, UAE sẽ tìm cách nối lại thương lượng, đề nghị chính quyền Trump thực hiện thỏa thuận ban đầu.
Ông Trump phê chuẩn thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD để bán các máy bay không người lái MQ-9 Reaper và các khí tài khác sau khi UAE thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel năm 2020, theo thỏa thuận mà chính quyền Trump đóng vai trò trung gian.
Thỏa thuận này đưa UAE trở thành quốc gia Ả-rập nổi bật nhất thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trong 30 năm qua và mang lại cho ông Trump một thành tựu quan trọng về chính sách đối ngoại vào thời điểm chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Nhưng sau nhiều tháng thương lượng, UAE thông báo vào tháng 12/2021, rằng họ đã dừng đàm phán về F-35 với chính quyền Tổng thống Joe Biden vì một số lý do.
UAE là một trong những đối tác an ninh quan trọng nhất của Washington ở Trung Đông. Quân đội của quốc gia vùng Vịnh này đã hợp tác với quân đội Mỹ trong nhiều chiến dịch quân sự, bao gồm ở Afghanistan. Mỹ vẫn có lực lượng đồn trú ở Abu Dhabi.
Trước thời ông Trump, Washington gạt đề nghị của các quốc gia Trung Đông về mua tiêm kích, để bảo đảm Israel duy trì lợi thế quân sự trước các nước láng giềng.
Ông Trump xây dựng quan hệ nồng ấm với các quốc gia vùng Vịnh giàu có. Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan thăm Nhà Trắng năm 2017, khi ông đang là thái tử của Abu Dhabi. Ông không có chuyến thăm nào đến Nhà Trắng thời chính quyền của ông Biden, nhưng có một cuộc gặp với Tổng thống Biden tại Jeddah năm 2022.