U buồng trứng khi mang thai, nguy hiểm ra sao?

U buồng trứng (UBT), thường không có triệu chứng rõ ràng khi chưa có biến chứng - thai phụ chỉ cảm thấy đau trằn nhẹ bụng dưới, hoặc đau mỏi lưng.
Ảnh minh họa: Internet

Bệnh khó phát hiện. Điều đáng nói, việc chậm phát hiện UBT khi mang thai gây không ít nguy hiểm. TS - BS Phan Trung Hòa, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ một số thông tin về căn bệnh này.

U buồng trứng khi mang thai xử lý ra sao?

Khi mang thai mà phát hiện UBT, cần theo dõi và làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán và tiên lượng bệnh trước khi quyết định xử trí. Việc xử trí thường dựa theo tuổi thai.

- Trong ba tháng đầu thai kỳ, khi phát hiện có u nang buồng trứng, nếu không có biến chứng và không nghi ngờ ác tính thì không can thiệp vì có thể đó là nang hoàng thể thai kỳ với chức năng dưỡng thai. Việc phẫu thuật có thể gây sẩy thai. Bên cạnh đó, thuốc dùng trong và sau phẫu thuật sẽ gây tác dụng phụ.

- Nếu phát hiện u thực thể, đặc biệt khi nghi ác tính vào thời điểm ba tháng giữa thai kỳ, việc can thiệp khá an toàn vì ít khả năng gây sẩy thai.

- Ở ba tháng cuối thai kỳ, UBT thường được phát hiện tình cờ do thai phụ không đi khám thai sớm. Trường hợp thai đủ tháng sẽ chờ chuyển dạ tự nhiên và đề phòng u cản trở cuộc sinh thì khi mổ lấy thai, có thể mổ lấy luôn khối u. Nếu nghi ngờ u ác tính trong khi thai còn non tháng (từ 28-34 tuần), thai phụ sẽ được sử dụng thuốc hỗ trợ phổi cho thai trước khi tiến hành phẫu thuật lấy thai.

Sau khi phát hiện, giải quyết thế nào?

UBT dễ gây biến chứng trong thời kỳ hậu sản. Sau phẫu thuật, khối UBT được giải phẫu bệnh lý để xác định là lành tính hay ác tính. Từ đó sẽ có tiên lượng và điều trị thích hợp.

Bất cứ UBT thực thể nào cũng có thể hóa ác tính với biến chứng nguy hiểm. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, phát hiện UBT tương đối đơn giản bằng thăm khám và siêu âm, nhưng thường không được chị em nhất là người có thai chú ý và quan tâm.

Chỉ cần đến cơ sở y tế để khám phụ khoa trước khi mang thai và vào ba tháng đầu thai kỳ là có thể an tâm chăm lo sức khỏe của cả hai mẹ con trong suốt quá trình mang thai 40 tuần lễ.

Ngay cả những phụ nữ không mang thai cũng cần phải khám phụ khoa, siêu âm định kỳ để phát hiện sớm UBT và phẫu thuật lấy khối u kịp thời trước khi gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Những biến chứng thường gặp

- Chèn ép các cơ quan trong ổ bụng: u to, dạng đặc có thể chèn ép lên tử cung, cản trở sự phát triển của tử cung khi mang thai; chèn ép lên ruột cản trở lưu thông của ruột gây táo bón; chèn ép bàng quang gây bí tiểu, tiểu lắt nhắt; u có thể chèn ép lên niệu quản làm thận ứ nước, dễ gây viêm thận, suy thận.

- Vỡ u thường xảy ra với u nang dạng dịch. Tình trạng này có thể do bị tử cung, các cơ quan trong bụng chèn ép làm vỡ u, nhưng cũng có thể do va chạm.

- Biến chứng xoắn: thường gặp với loại u có cuống, kích thước nhỏ nhưng nặng như loại u đặc. Biến chứng xoắn có thể gặp khi tử cung lớn làm “xoay” u. Tình trạng này thường xảy ra khi sản phụ vừa sinh xong, kích thước tử cung thu nhỏ lại làm ổ bụng trống và u dễ bị xoắn cuống.

- Hóa ác tính hoặc ác tính trước đó nhưng tiến triển trong khi mang thai. Tỷ lệ ung thư của UBT khi mang thai từ 1/25.000-1/10.000 và có tiên lượng xấu cho cả hai mẹ con. - UBT cản trở sự đi xuống của thai gây sinh khó.

Phòng ngừa u buồng trứng

Nguyên nhân của UBT thực thể hay bệnh lý chưa được biết rõ, vì vậy khó phòng ngừa. Một số yếu tố liên quan được ghi nhận: không mang thai, béo phì; các bệnh rối loạn nội tiết, chuyển hóa như đái tháo đường; hút thuốc lá…

Cách phát hiện sớm nhất là khám phụ khoa và siêu âm bụng định kỳ. Phụ nữ nên siêu âm bụng định kỳ sáu tháng một lần. Khi có bất thường ở buồng trứng, cần tư vấn ở bác sĩ chuyên khoa phụ sản ngay để có hướng xử lý phù hợp.

Theo Theo PNO