Tỷ lệ trẻ mắc đái tháo đường tăng nhanh

TP - PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện có khoảng 40-50 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với trước đó (chỉ 5-20 bệnh nhân/năm).

Không được phát hiện kịp thời

 TS Hải cho biết thêm, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em ngày càng có xu thế gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam. Theo TS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư), hiện nhiều cha mẹ vẫn không nghĩ bệnh đái tháo đường có thể xảy ra trên trẻ con nên khi trẻ có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng sụt cân nhanh vẫn bỏ qua.

vậy phần lớn trẻ em bị đái tháo đường được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nặng. Khi ấy trẻ đã lừ đừ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê. Khác với tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở người lớn, tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em có diễn tiến rất nhanh. Từ lúc cha mẹ phát hiện được sự thay đổi của trẻ như các biểu hiện ăn uống nhiều nhưng vẫn sụt cân đến lúc trẻ hôn mê chỉ khoảng 2 - 3 tuần.

Bác sĩ Dũng cho hay nhiều trẻ bị đái tháo đường nhập viện trong tình trạng nặng nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do biến chứng từ cấp tính như hôn mê, rối loạn tri giác. Quá trình điều trị tại nhà và kiểm soát đường máu không tốt sẽ dẫn đến các biến chứng mạn tính như đục thủy tinh thể, tổn thương thận, cao huyết áp, phát triển chậm về thể chất, thậm chí tử vong.

Từ năm 2013 tới nay, con số đái tháo đường tuýp 1 tăng lên 3 - 4 lần so với trước, còn ở tuýp 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì trẻ mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh đái tháo đường sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi).

Bác sĩ Dũng cho hay, khi 1 cháu bé bị đái tháo đường hàng ngày phải tiêm insulin 3 - 4 lần, phải lấy máu từ 4 - 6 lần và 10 lần chọc kim ở da và phải đồng hành đến cuối đời. Đối với trẻ em bị bệnh càng sớm thì dẫn đến tổn thương càng sớm nếu không quản lý bệnh tốt.

Thủ phạm gây bệnh

Theo TS. Vũ Chí Dũng, thủ phạm gây bệnh đái tháo đường ở trẻ chính là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt nhưng lại lười vận động. Phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bệnh đái tháo đường có thể phòng chống được, bằng cách thăm khám, sàng lọc phát hiện sớm để có hướng điều trị tích cực, phù hợp. Đặc biệt, cần duy trì chế độ ăn uống, nạp dinh dưỡng hợp lý song song với việc vận động thể lực đều đặn.