Tỷ giá, đừng gây... sốc!

TP - Trong 2 tuần qua, các NHTM đồng loạt đưa giá bán USD lên kịch trần là 21.036 đồng. Thậm chí cuối tuần qua, tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chiều bán ra USD đã tăng gần hết biên độ 1% khi chạm mức 21.360 đồng. Tỷ giá đang đứng trước đồn đoán có hay không sự điều chỉnh?

> BIDV E-Banking hút khách
> BIDV sẽ giải ngân 10.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở

Cầu tăng tạo sóng

Sáng 12/6, giá giao dịch USD tại các NHTMCP lớn có điều chỉnh nhé. Tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 21.020 đồng/USD - 21.036 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 35 đồng chiều mua vào so với ngày 11/6.

Tại BIDV, tỷ giá USD được yết mua vào ở mức 21.015 đồng/USD - bán ra ở mức 20.036 đồng/USD, giảm nhẹ 5 đồng chiều mua vào so với ngày 11/6. Còn VietinBank, niêm yết tỷ giá USD ở mức mua vào là 21.030 đồng/USD - bán ra là 21.036 đồng/USD… Thị trường tự do, giá USD phổ biến ở mức 21.250 đồng/USD chiều mua vào và 21.270 đồng/USD chiều bán ra.

Phó tổng giám đốc NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cho hay: qua quan sát gần 2 tuần nay, thị trường ngoại hối cầu tăng mạnh, trong khi cung hầu như không tăng.

Sự mất cân đối này phản ánh qua cán cân thanh toán của Việt Nam trong tháng 5 chuyển từ trạng thái dương chuyển sang bị âm 1,5 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, NHNN đã bán ra 1 tỷ USD để cân bằng thị trường. Vị lãnh đạo này cũng bổ sung hai yếu tố tác động đến sự thay đổi của tỷ giá đó là chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang thu hẹp dần.

“Trước nay, mỗi khi khoảng cách lãi suất hai đồng này gần nhau quá sẽ xuất hiện khuynh hướng găm giữ USD quay trở lại tác động tâm lý người dân từ đó có thể lan qua tổ chức. Vì các cá nhân đó có thể là những người điều hành. Thông tin nữa, dư luận trong thời gian qua cho rằng, đồng VND sẽ bị phá giá 2% tạo tâm lý kỳ vọng trên thị trường ngoại tệ. Và tất cả các yếu tố trên xuất hiện tại cùng một thời điểm vô hình chung tạo sức ép lên thị trường ngoại tệ trong những ngày qua - Ông nhận xét.

Cũng theo ông, thực tế, sau mỗi lần giá USD tăng thường xuất hiện những đồn đoán cho rằng, NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá. Và đợt tăng giá này cũng không ngoại lệ. Nhưng NHNN khẳng định là chưa điều chỉnh tỷ giá. Việc tỷ giá biến động nhẹ do nhu cầu một số NHTM tăng để bù đắp trạng thái.

“Nhưng sự việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, và trạng thái ngoại tệ của hệ thống NHTM đã cải thiện. Tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các NHTM ngày cuối tuần phổ biến quanh mức 20.980 - 21.030 đồng/USD”, báo cáo của NHNN nhận định.

Điều chỉnh có cần?

TS chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích về sự tăng giá của đồng đô la như sau: thứ nhất, thời điểm này nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các DN tăng lên chuẩn bị chu kỳ sản xuất mới, cũng có không ít các DN muốn mua USD trả nợ. Và không thể bỏ qua yếu tố chênh lệch giá vàng cũng là một trong những tác động đến tỷ giá.

Việc giá vàng trong nước và thế giới vẫn tương đối cao sẽ không tránh khỏi chuyện nhập lậu vàng để hưởng lợi. Thứ nữa, TS Hiếu cho rằng, việc tỷ giá tăng trong những ngày qua là bình thường khi cầu lớn hơn cung, thị trường sẽ có sóng.

Mặt khác, hiện dù nhập siêu có tăng nhưng không đáng kể. Trong khi nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu chuyển mình để kích thích nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.

Bình luận về vấn đề này, lãnh đạo NHTMCP trên cho rằng, đúng là chuyện này có thể xảy ra, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể làm. Bởi không dễ dàng mua USD từ NHNN. Chỉ có những ngân hàng bị âm trạng thái mới được “ưu tiên” mua USD từ NHNN.

Như vậy, nếu các ngân hàng muốn được mua USD của NHNN thì phải bán USD đưa trạng thái ngoại hối của mình về âm. “Song, với diễn biến trên thị trường hiện nay, chả ngân hàng nào dám làm điều đấy”, vị lãnh đạo trên nhận định.

Thực tế, dù không quá áp lực, nhưng nguồn cung ngoại tệ không phải quá dư dả để cho các ngân hàng làm liều. Dự báo, hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn ngay cả những mặt hàng chủ chốt như nông sản, gạo, cà phê…

 Đây chưa phải lúc nghĩ tới phá giá đồng VND để hạn chế nhập khẩu, tạo ưu thế cho xuất khẩu. Nên chăng, NHNN xem xét nới biên độ giao dịch thay vì 1% có thể tăng lên 2 - 3% tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng linh hoạt trong giao dịch ngoại hối. Từ đó, làm biến mất động cơ trục lợi từ biến động tỷ giá của một số ngân hàng

 TS Nguyễn Trí Hiếu

“Điều này đồng nghĩa ngoại tệ thu từ xuất khẩu không tăng mà thậm chí còn giảm. Vì ngoại tệ thu về các DN xuất khẩu sẽ bán lại ngân hàng, nhưng nếu không xuất được hàng, DN không những không có USD để bán lại cho ngân hàng, thậm chí họ không có tiền trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, DN nhập khẩu vẫn phải vay USD thanh toán tiền hàng. Nếu điểm rơi cùng xảy ra vào cuối năm sẽ tạo áp lực lớn cho ngân hàng ”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Xu thế tăng này chỉ là nhất thời nên chưa nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá. Việc có điều chỉnh tỷ giá hay không và vào thời điểm nào phải theo cung - cầu của thị trường. Khi cầu áp đảo cung buộc NHNN phải can thiệp. Nhưng, dù có phải điều chỉnh thì nên chỉ là những bước đi nhỏ để tránh tạo tâm lý kỳ vọng cũng như gây “cú sốc” trên thị trường ngoại hối.

Một lưu ý nữa là không nên để khoảng cách lãi suất USD và VND tiếp tục bị thu hẹp bởi những điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Vì rất có thể nhu cầu chuyển đổi từ VND sang USD quay lại sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.

Theo Báo giấy