> Tuyển sinh Đại học: Làm gì với phương án thi mới?
> Thi tốt nghiệp THPT 2 môn, bỏ thi đại học ‘ba chung’
Các phương án thi riêng
Nhìn chung, hầu hết các phương án đều không chỉ dựa vào kết quả thi tuyển sinh “ba chung” của Bộ GD&ĐT mà theo quan điểm tuyển sinh đa tiêu chí: Điểm thi tuyển sinh ba chung, điểm tốt nghiệp THPT, điểm thi riêng của trường sở tại và một tiêu chí khác.
Đáng lưu ý là Trường Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam) đã ra phương án tính 20% cho tất cả các trọng số, có nghĩa là điểm thi 3 chung cũng chỉ chiếm 20% điểm tuyển, như các tiêu chí khác. Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, TP HCM đưa ra phương án tuyển không có điểm sàn 3 chung mà chỉ căn cứ vào 4 tiêu chí: Điểm tốt nghiệp (6 trở lên cho hệ cao đẳng và 7 trở lên cho hệ đại học); Điểm trung bình chung (TBC) lớp 12 (6 trở lên cho hệ cao đẳng và 7 trở lên cho hệ đại học); Phỏng vấn về tư duy, đạo đức tác phong, kỹ năng mềm; Tiếng Anh.
Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ TPHCM trình phương án tuyển trên 3 tiêu chí: Sử dụng điểm của một trong hai kỳ thi quốc gia (tuyển sinh hoặc tốt nghiệp) với trọng số 60% tổng điểm tuyển; Điểm TBC 3 năm 10, 11, 12 với trọng số 40% và thêm phỏng vấn đối với các ngành nghề đặc thù...
Công văn gửi Bộ GD&ĐT, do Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân ký, khẳng định: Cách làm này vừa đánh giá được khả năng tối đa của thí sinh thể hiện qua các kỳ thi quan trọng, vừa đánh giá được sự nỗ lực bền bỉ của thí sinh trong suốt thời gian học trung học, đồng thời không chỉ chú trọng kiến thức hàn lâm mà còn chú trọng về tác phong, đạo đức và kỹ năng của thí sinh nữa.
Vẫn cần một bộ lọc
Từ nhiều năm qua, Trường ĐH FPT đứng tách ra với phương án tuyển sinh tự chủ của mình. Theo ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, từ tháng 4 hằng năm, trường đã tổ chức thi tuyển riêng với 3 nội dung: trắc nghiệm về kỹ năng (tùy theo từng ngành đào tạo) để kiểm tra các tố chất cần thiết phù hợp ngành học và những gì thí sinh định làm sau tốt nghiệp; 1 bài luận với yêu cầu tư duy mạch lạc và có chính kiến; phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra quyết tâm theo học, tư duy về ngành nghề tương lai phát triển, kế hoạch, mơ ước...
Trên cơ sở kết quả thi này, khi nhập học, thí sinh nào đáp ứng các quy định của Bộ GD&ĐT (có đủ điểm sàn) thì được vào học. Ông Lê Trường Tùng nói: Nếu thí sinh nào không vượt qua kỳ thi của trường, không đủ tố chất để theo học thì điểm thi tuyển sinh ba chung có cao, trường cũng không nhận.
Vậy mà, theo ông Trường Tùng, mỗi năm ĐH FPT có khoảng 10.000 thí sinh dự thi và trường này chỉ tuyển trên 1.000 chỉ tiêu, mặc dù có năm tuyển đủ, có năm không tuyển đủ.
Năm 2014, ông Trường Tùng cho hay, ĐH FPT vẫn tuyển sinh riêng và dù quy chế Bộ GD&ĐT có thay đổi theo hướng không bắt các trường phải qua cầu “ba chung” thì FPT vẫn tổ chức kỳ thi riêng.
Nếu Bộ GD&ĐT không phải sử dụng kết quả thi “ba chung” mà theo ông như một “bộ lọc” thì ĐH FPT cũng sẽ dùng một “bộ lọc” khác, ngoài kỳ thi riêng của mình là: Kết quả thi tốt nghiệp PTTH, kết quả học tập ở phổ thông (ít nhất là 2 năm cuối cấp, lớp 11 và 12) để làm căn cứ tuyển.
Điều đáng phấn khởi trong tiến trình cải tiến tuyển sinh là, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe các trường nói, có chủ trương điều chỉnh Quy chế tuyển sinh cho phù hợp. Vừa qua, có nhiều trường khối NCL đề xuất các phương án tự chủ tuyển sinh và Bộ GD&ĐT đã xem xét và có vẻ đi theo hướng cho tự chủ và ràng buộc một số điều kiện hoặc có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm... Tất cả, được biết, các quyết định mới sẽ được tổng kết trong hội nghị tổng kết đào tạo ĐH, CĐ vào tháng 12/2013.
(Văn Đình Ưng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập)