Trước khi công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm, Trường ĐH Quy Nhơn có văn bản thông báo cho thí sinh về việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sớm. Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, giữa tháng 6, trường nhận được văn bản của Bộ GD&ĐT thông báo số lượng chỉ tiêu dự kiến các ngành đào tạo giáo viên năm 2024 dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương.
Theo đó, năm 2024, Trường ĐH Quy Nhơn không có chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm Hóa học. Vì vậy, những thí sinh đăng kí nguyện vọng vào ngành Sư phạm Hóa học nên điều chỉnh nguyện vọng sang ngành khác trong hệ thống của trường.
Khác với những trường ĐH khác, Trường ĐH Quy Nhơn không thông báo cụ thể chỉ tiêu từng ngành sư phạm trong đề án tuyển sinh. Đề án của nhà trường chỉ thông tin tất cả các ngành sư phạm xét tuyển 860 chỉ tiêu năm 2024.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 là một trong những trường đào tạo sư phạm bị giảm chỉ tiêu so với thông báo ban đầu. Cụ thể, tổng chỉ tiêu nhóm ngành sư phạm của trường được công khai trong đề án tuyển sinh năm 2024 là 2.307 chỉ tiêu và 72 chỉ tiêu dự kiến của ngành Sư phạm Địa lí (đây là ngành đang chờ Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo).
Nhưng giữa tháng 6, văn bản Bộ GD&ĐT gửi đến chỉ giao cho nhà trường đào tạo 1.384 chỉ tiêu, giảm 923 chỉ tiêu, khoảng 40%. Trong đó có những ngành giảm tới 90% chỉ tiêu như ngành Sư phạm Vật lí, nhà trường công bố xét tuyển 244 chỉ tiêu nhưng thực tế được giao 20 chỉ tiêu; ngành Giáo dục Quốc phòng An ninh thông báo tuyển 234 chỉ tiêu nhưng chỉ được giao 28 chỉ tiêu; ngành Sư phạm Lịch sử cũng từ 165 chỉ tiêu xuống còn 31 chỉ tiêu; ngành Sư phạm Sinh học từ 205 chỉ tiêu còn 20 chỉ tiêu; ngành Sư phạm Hóa học từ 161 chỉ tiêu xuống còn 25 chỉ tiêu. Nhưng có 2 ngành tăng chỉ tiêu so với trường đăng kí là ngành Giáo dục Tiểu học từ 150 chỉ tiêu lên 190 chỉ tiêu; ngành Sư phạm Toán từ 173 chỉ tiêu lên 198 chỉ tiêu.
Trường ĐH Cần Thơ sau khi nhận văn bản giao chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT cũng thông báo điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển 15 ngành học. Theo đó, từ 1.090 chỉ tiêu ban đầu giảm xuống còn 624 chỉ tiêu. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao cũng giảm khoảng 400 so với trường đề xuất.
Việc giảm chỉ tiêu đào tạo sẽ có tác động trực tiếp đến điểm chuẩn các phương thức xét tuyển vào nhóm ngành Sư phạm. PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, dự báo điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vào các trường sư phạm tiếp tục giữ kỉ lục.
Thông tin về đặt hàng đào tạo của địa phương tại các trường ĐH đào tạo sư phạm rất ít. Năm 2024 mới chỉ có Trường ĐH Quảng Bình thông tin cụ thể đặt hàng đào tạo giáo viên của UBND tỉnh Quảng Bình là 45 chỉ tiêu với kinh phí đào tạo do ngân sách của tỉnh chi trả.
Vẫn nghẽn
Ngành Sư phạm là ngành học duy nhất Bộ GD&ĐT có quyền giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH, CĐ. Trong mùa tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng có thông báo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với 14 trường cao đẳng và 2 trường ĐH địa phương, lí do là địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên hoặc các trường trên địa bàn đã sáp nhập với cơ sở đào tạo khác.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2021, Bộ thông báo cho các cơ sở đào tạo trên 50.000 chỉ tiêu, số thí sinh trúng tuyển là trên 49.000, đạt trên 98%, nhưng số nhập học cuối cùng chỉ có trên 43.000, khoảng 85% chỉ tiêu.
Đến năm 2022, dựa trên nhu cầu các địa phương đăng kí, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo cho các cơ sở đào tạo hơn 37.000 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu đào tạo sư phạm của năm học này giảm mạnh, thấp hơn 13.000 chỉ tiêu so với năm trước đó. Nhưng thực tế tuyển sinh đợt 1 năm 2022, số trúng tuyển nhập học chỉ trên 26.000 (đạt 70% chỉ tiêu).
Như vậy, tính cả về số chỉ tiêu được xác định, số thí sinh trúng tuyển đều giảm đáng kể so với năm 2021. Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP (nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm) cho khóa tuyển sinh 2021 đã tác động trực tiếp tới tình hình tuyển sinh năm 2022.
Đến năm 2023, Bộ GD&ĐT đánh giá công tác tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi tổng chỉ tiêu ĐH và CĐ được giao trên 36.000, thấp hơn năm 2022 một chút thì số thí sinh nhập học chỉ khoảng 32.500, đạt trên 89 %. Một số khó khăn chính là địa phương không đặt hàng đào tạo, xử lí kinh phí đào tạo còn vướng, nhiều ngành khó tuyển…
Bộ GD&ĐT cũng đánh giá việc thực hiện Nghị định 116 đã đạt được kết quả nhất định như tỉ lệ thí sinh đăng kí xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỉ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng.
Tuy nhiên quá trình triển khai Nghị định 116 cũng đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm trên 17% so với số sinh viên nhập học và chiếm trên 24% so với tổng số sinh viên sư phạm đăng kí hưởng chính sách.
Chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Số sinh viên thuộc diện đào tạo theo nhu cầu xã hội và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ GD&ĐT) chiếm đến gần 76% so với số sinh viên đăng kí hưởng chính sách.
Một số cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ làm ảnh hưởng kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho hay Bộ sẽ công bố số lượng địa phương đặt hàng các trường đào tạo giáo viên sau khi tổng hợp đầy đủ dữ liệu.
Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116 vẫn chưa được phê duyệt để có thể tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay trong chính sách hỗ trợ đào tạo sư phạm.