Ngày 28/11, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Sở Văn hóa và Thể thao làm việc với đơn vị tư vấn chỉnh sửa một số chi tiết cụ thể đối với phần tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Theo đó, việc chỉnh sửa này được thực hiện theo ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể theo và Du lịch (VH-TT&DL) cùng góp ý của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cụ thể là: thể hiện nếp nhăn trên trán, mặc áo sơ mi dài tay, ống tay 2 lần gấp, bỏ áo vào quần, có thắt lưng, đi giày, sửa lại bàn tay nhỏ hơn bổ sung thêm rào chắn tại vòng tam cấp (trụ inox thấp, có giăng dây inox) để bảo vệ tượng, chất liệu các vòng tròn tam cấp làm bằng đá granite.
Sau khi được chỉnh sửa một số chi tiết nêu trên, báo cáo UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh uỷ trước khi triển khai.
Như Tiền Phong đã đưa tin, trước đó, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL xin ý kiến về việc xây dựng tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cụ thể, tỉnh này đề xuất tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có chủ đề: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tác phẩm "Biển nhớ" bên bờ biển Quy Nhơn. Theo đó, tạc tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở độ tuổi trung niên, ngồi đánh đàn guitar, bên cạnh là tổng phổ bài hát Biển nhớ, có khắc nhạc và lời.
Tượng cao 2,4m, bệ tượng cao 0,75m, chất liệu đá Bình Định. Tượng dự kiến đặt tại công viên bên bờ biển Quy Nhơn, đoạn gần Trường ĐH Quy Nhơn – nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng học.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Việt Nam. Ông đã từng sống, học tập tại Trường Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Quy Nhơn). Nhiều ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn ra đời từ thành phố biển xinh đẹp này, như: Hoa buồn, Chiều Chủ nhật buồn, Vết lăn trầm, Nắng thủy tinh, Cát bụi…
Trong đó, đặc biệt nhất là ca khúc Biển nhớ. Sau này, ông thỉnh thoảng quay về Quy Nhơn để gặp lại bạn bè, ôn kỷ niệm xưa. Thành phố Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung tự hào vì là nơi được nhạc sĩ quý mến.