Thị trường XKLĐ 2017:

Tương lai sáng với nghề điều dưỡng, hộ lý

TP - Năm 2017, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hứa hẹn “sáng sủa” khi nhu cầu về nghề hộ lý, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tại các nước phát triển tăng mạnh.  Tuy nhiên,  điều đáng lưu tâm là tình trạng lao động Việt Nam phạm pháp tại các nước họ tới làm việc không hề suy giảm, thậm chí còn tăng.
Những người làm việc trong nghề chăm sóc sức khỏe sẽ có nhiều cơ hội đi làm việc tại các nước phát triển. (Ảnh một khóa học của điều dưỡng, hộ lý trước khi sang Nhật Bản làm việc).

Sáng 13/1, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2016, Việt Nam đưa trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, cao nhất từ trước tới nay. Đây là năm thứ 3 liên tiếp số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.

“Các năm trước có một số thị trường XKLĐ đóng băng, sau nỗ lực của ngành đã được khơi thông. Như mở lại thị trường Hàn Quốc sau gần 5 năm tạm dừng, thị trường Nhật Bản cũng có hướng mở tích cực với những ngành nghề mới. Việt Nam hiện là nước dẫn đầu trong 15 nước có lao động đang làm việc tại Nhật Bản với thu nhập ước tính hơn 11.000 tỷ đồng”, ông Dung nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2016, lao động Việt Nam chủ yếu sang làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2017, ông Hương dự báo thị trường XKLĐ rất triển vọng, khi các thị trường truyền thống vẫn tiếp tục phát triển, một số thị trường mới được mở ra, như: Australia, Israel, Rumania, Séc, Thái Lan. Việt Nam cũng  thí điểm đưa điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản, Đức… “Hiện tỷ lệ già hóa dân số tại khu vực châu Âu và Nhật Bản rất lớn, họ có nhu cầu tuyển nhiều lao động chăm sóc sức khỏe, đây sẽ là triển vọng thời gian tới”, ông Hương nói.

Ngoài ra, theo ông Hương, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 vẫn là giảm lao động bỏ trốn, không về nước mà ở lại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Dù Bộ LĐ-TB&XH đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, thực tế số lao động bỏ trốn chưa giảm, song tốc độ tăng đã chậm lại.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, dù hiện tại các nước yêu cầu tay nghề với lao động Việt Nam chưa cao, nhưng phải nâng dần chất lượng lao động. Người lao động cũng phải tự nâng cao kỹ năng, vì yêu cầu tuyển dụng của các nước sẽ ngày càng cao.

Vẫn làng nhàng

Dự hội nghị và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù đưa lao động đi nước ngoài đạt kỷ lục từ trước tới nay, nhưng phải chấn chỉnh nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, nếu không thị trường sẽ kém bền vững.

“Tôi vừa ký văn bản gửi Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH rà soát, chấn chỉnh các đơn vị đưa du học sinh, thực tập sinh đi học và làm việc ở nước ngoài, vì tình trạng người Việt phạm pháp rất nhiều. Tại Nhật Bản, người Việt đứng đầu về vi phạm pháp luật. Hay Hàn Quốc cũng vậy, nên phải làm thật nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng  tỏ ra lo lắng với việc ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ LĐ-TB&XH. Dù số liệu xếp hạng năm 2016 chưa công bố, nhưng sơ bộ thì Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thụt lùi, dù trước đó năm 2015 đã tụt xuống thứ 11 (năm 2014 xếp thứ 9).

“Bộ LĐ-TB&XH đã cố gắng, nhưng các bộ ngành khác còn làm tốt hơn, như Bộ Y tế tăng tới 9 bậc. Vì vậy, cần tiếp tục cải tiến hoạt động của ngành, như chi trả chế độ cho người có công, bảo trợ xã hội có thể thuê đơn vị dịch vụ, bưu điện, ngân hàng làm”, Phó Thủ tướng nói. Ngoài ra, ngành lao động quan tâm mở rộng xã hội hóa dịch vụ giới thiệu việc làm, bảo trợ xã hội; tiếp tục phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận những chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cam kết đưa vào chương trình hành động năm 2017. “Công nghệ thông tin chúng ta đứng ở mức làng nhàng, trong khi các bộ khác tăng vượt bậc. Trong hoạt động của bộ, tôi đã 3 lần đề cập vấn đề này. Đã giao đích danh các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện. Bộ LĐ-TB&XH phải đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, điều này hoàn toàn làm được”, ông Dung nói.

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu toàn ngành LĐ-TB&XH tập trung làm tốt công tác chăm lo Tết cho người có công, đối tượng bảo trợ, hộ nghèo.

Với lĩnh vực người có công, Phó Thủ tướng lưu ý năm 2017 sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, việc chăm lo, giải quyết chế độ cho người có công cần được quan tâm thực hiện. Đặc biệt, giải quyết những hồ sơ công nhận người có công còn tồn đọng. “Không để 70 năm rồi vẫn còn nhiều vấn đề rất nhức nhối, có cụ hy sinh từ thế kỷ 19, đã mất nhiều năm vẫn không được công nhận liệt sỹ, người có công”, Phó Thủ tướng lưu ý.