Tướng Hồ Sỹ Tiến trải lòng về “sức ép” điều tra các vụ thảm án

"Việc tìm ra thủ phạm chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi" - câu nói của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an chia sẻ khi đang giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" điều tra vụ thảm án ở huyện Tương Dương, Nghệ An, như một lời khẳng định nhưng cũng thể hiện sự quyết toán của vị tướng dày dạn trận mạc trong đánh án hình sự.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến tại buổi họp báo vụ thảm án ở Bình Phước.

Có lẽ hiếm khi nào lại xảy ra liên tiếp hai vụ thảm án với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như ở Nghệ An và Bình Phước như vừa qua. Dư luận đã thực sự rúng động bởi sự tàn ác của các nghi phạm và nhất là những cái chết thương tâm, oan uổng của các nạn nhân. Đằng sau những vụ án này là biết bao trăn trở, gian khó của lực lượng Công an điều tra, luôn nỗ lực, cố gắng tột cùng để làm sao sớm tìm ra được nghi phạm, an ủi vong linh những người đã khuất, trấn an dư luận…

Trong buổi họp báo khá căng thẳng thông tin về vụ thảm án ở Bình Phước khiến 6 người trong một gia đình tử vong sau khi đã bắt được hai nghi phạm và hoàn tất bước đầu hồ sơ vụ án, dù các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh vụ án, nhưng khi buổi họp báo vừa kết thúc, các phóng viên vẫn tiếp tục “quây” Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (Cảnh sát hình sự -C45) Bộ Công an. 

Các câu hỏi lại liên tiếp được các phóng viên báo đài đặt ra với người đứng đầu Cục Cảnh sát hình sự. Dù thời tiết khá nóng nực và các phóng viên lại vây kín xung quanh nhưng vị Thiếu tướng vẫn trả lời một cách trơn tru, đầy đủ và thuyết phục gần như tất cả các câu hỏi.

Điều đáng nói, sau quá trình điều tra gấp rút, hiệu quả, cơ quan Công an đã nhanh chóng bắt giữ được hai nghi phạm và chúng cũng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được những công việc đầy khó khăn, gian nan của Ban chuyên án cũng như của các cán bộ chiến sĩ điều tra vụ án này…

“Chúng tôi đã vào cuộc quyết liệt không nghỉ ngơi một giây phút nào để truy bắt thủ phạm. Đầu tiên là công tác khám nghiệm, tìm các dấu vết tại hiện trường phải hết sức tỉ mỉ, cẩn trọng, chi tiết để phục vụ cho công tác điều tra, truy tìm nghi phạm. Hàng chục cán bộ chiến sĩ đã vất vả lần mò, tìm kiếm, lật từng bụi cỏ, viên gạch để tìm manh mối suốt hai ngày trời trong khoảng không gian hiện trường rộng lớn của căn biệt thự. Ngoài những vật dụng như găng tay, băng keo, còn rất nhiều dấu vân tay, vết máu, dấu giày… được lấy mẫu kỹ càng. Bởi ngoài dấu vết của hung thủ, hiện trường đã bị xáo trộn do những công nhân xưởng gỗ nhà ông Mỹ để lại khi phát hiện sự việc tò mò vào xem…”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.

Ngoài ra, điều quan trọng để truy tìm và phát hiện được hai nghi can trong vụ thảm án này là phải nhận định được đúng hướng điều tra, nguyên nhân, động cơ gây án như do thù tức, cướp tài sản, mâu thuẫn tình ái… Từ đó bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra sẽ sàng lọc đối tượng hiềm nghi, thu thập chứng cứ, dấu vết để có những bước điều tra tiếp theo. 

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, trong vụ thảm án này, từ hành vi tàn ác của hung thủ, cơ quan điều tra đã nhận định động cơ gây án không đơn thuần chỉ là giết người, cướp tài sản mà còn mang tính chất trả thù. Từ đó Ban chuyên án tập trung vào các mối quan hệ xã hội của gia đình nạn nhân, đặc biệt là các mối quan hệ tình cảm của con gái ông Mỹ - Lê Thị Ánh Linh. Và do vậy Nguyễn Hải Dương là người yêu vừa chia tay của Linh, đã lọt vào tầm ngắm của các cán bộ điều tra ngay từ đầu.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45) Bộ Công an.

Sau khi bị mời về cơ quan điều tra, Dương vẫn tỏ ra bình tĩnh trưng nhiều bằng chứng ngoại phạm, chứng minh mình vô tội. Dương khẳng định khuya 6/7 vẫn ở nơi làm việc và điều này còn được camera an ninh tại xưởng ghi nhận.


Dương có thể chưa bị phát hiện ngay nếu cơ quan điều tra không phát hiện ra điện thoại của nạn nhân Vỹ (cháu ông Mỹ) có nhiều cuộc gọi từ một sim rác. Đáng nói hơn là số máy này còn nhắn tin cho cậu bé chỉ ít phút trước thời điểm nạn nhân bị sát hại. Tiến hành điều tra, Dương được xác định là chủ nhân của chiếc sim điện thoại này.

Ngày 10/7, lần thứ hai bị triệu tập, dù trời mưa to nhưng Dương lại có mặt rất đúng giờ. Khi bị các điều tra viên đặt câu hỏi, Dương thừa nhận đã nhắn tin cho Vỹ nhưng lý giải rằng chỉ để nhờ cậu bé lấy trộm điện thoại của người yêu cũ vì có nhiều hình ảnh kỷ niệm trong đó. Dương một mực khẳng định rất yêu Linh, thề thốt không thể gây ra án mạng kinh hoàng với gia đình cô gái. 

Tuy nhiên, khi thấy rơi vào tình thế yếu lý, Dương ngoan cố muốn sử dụng quyền im lặng, không trả lời để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Nhưng sau khi cơ quan điều tra đưa ra các bằng chứng đối chiếu giám định mẫu giày, bộ gen, vân tay... thu tại hiện trường hoàn toàn trùng khớp với Dương và nhất là trước những lập luận sắc bén của vị Tướng dày dạn kinh nghiệm, kẻ thủ ác đã không thể tiếp tục chối tội. Sau đó Dương đã khai ra đồng phạm Vũ Văn Tiến.

Nói về tính chất vụ án và so sánh với vụ án Lê Văn Luyện năm 2011, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khẳng định hai vụ án có động cơ, mục đích khác nhau, nhưng hành vi của Dương và Tiến dã man, nghiêm trọng hơn vụ Lê Văn Luyện.

“Luyện có mục đích ban đầu là trộm cắp tài sản rồi mới chuyển sang giết người. Cụ thể, do Luyện đột nhập để trộm tài sản nhưng bị phát hiện nên mới bộc phát chuyển sang sát hại nạn nhân. Trong khi hai đối tượng trong vụ thảm án ở Bình Phước có hành vi dã man hơn đối tượng Luyện, vì chúng có chủ đích và lên kế hoạch giết người ngay từ đầu”.

Các cán bộ điều tra, kỹ thuật đang khám nghiệm hiện trường và truy tìm dấu vết vụ thảm án ở Bình Phước.
Như vậy, từ những chi tiết chứng cứ xác thực, thuyết phục, bằng sự mưu trí và tinh thần quyết tâm phá án, các cán bộ điều tra của Ban chuyên án đã xuất sắc khám phá ra toàn bộ vụ thảm án. Có thể thấy, chỉ chưa đầy 24 tiếng sau khi Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến trực tiếp tới hiện trường, hai nghi phạm Dương và Tiến đã phải lộ diện. 

Và vụ án này đã được phá trong thời gian rất ngắn, trước khi các nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong khi đó, vụ sát hại bốn người ở Nghệ An tưởng chừng như rơi vào bế tắc cũng đã được đưa ra ánh sáng khi ông trực tiếp băng rừng, lội suối tới hiện trường điều tra sau hơn nửa tháng.

Dấu ấn của vị Tướng hình sự

Theo lời ông thì do nhiều người chưa hiểu được đặc thù của công tác điều tra nên cho rằng với vụ thảm án ở Bình Phước vì nạn nhân là đại gia nên Công an mới tập trung điều tra, còn vụ ở Nghệ An xảy ra ở vùng quê hẻo lánh nên không được quan tâm. Thực tế mọi chuyện rất đơn giản, chỉ vì vụ thảm án Bình Phước xảy ra ở đồng bằng, có điện thoại liên lạc và nhiều điều kiện thuận lợi nên công tác điều tra cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, công tác chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Công an hay Tổng cục Cảnh sát đến các điều tra viên dễ dàng hơn… 

Trong khi đó, với vụ thảm án ở Nghệ An, mọi việc khó khăn hơn bội phần do các điều kiện về địa lý, rừng núi xa xôi, đường sá hiểm trở, hoàn toàn không có sóng điện thoại. Nếu có việc cần chỉ đạo cho cán bộ chiến sĩ, Ban chuyên án phải lặn lội vào tận hiện trường hoặc phải cho người vào truyền đạt lại hay gọi ra. Đó là chưa kể hiện trường vụ án hoàn toàn không có nhân chứng, vì khu lán gần bản Phồng nằm biệt lập ở một nhánh rừng. 

Vị Cục trưởng trèo đèo lội suối vào hiện trường vụ thảm án ở Nghệ An.
Từ hiện trường xảy ra vụ án đến khu dân cư gần nhất cũng phải đi mất 20 phút, về đến bản cũng phải mất một tiếng rưỡi đường rừng. Các trinh sát phải tự mang theo lương khô, mì tôm, nước uống thì nhiều lúc phải uống nước suối… 

Điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng có lẽ ít người hiểu hết được. Hơn nữa, việc giao tiếp với người trong bản cũng khó khăn vì không có trinh sát nào nói và hiểu được tiếng dân tộc Tày Phoọng để thu thập thông tin… Do đó, Ban chuyên án đã phải huy động nhiều người dân, nhiều lực lượng để giúp đỡ.  

Ngoài ra, qua kết quả khám nghiệm hiện trường ban đầu cho thấy, hung thủ không để lại bất kỳ một vật chứng, dấu vết nào đáng kể. Trong khi đó, các nạn nhân trong vụ án là người dân tộc Tày Poọng có cuộc sống nghèo, chưa có tiền án, tiền sự và không mâu thuẫn gì lớn với ai. Thêm vào đó, thời gian xảy ra vụ án đã khá lâu, các dấu vết để lại rất hạn chế… Do đó, việc lần tìm manh mối, chứng cứ của cơ quan điều tra gặp muôn vàn khó khăn.

Theo vị Thiếu tướng nhấn mạnh, hoàn toàn không có chuyện đây là vùng rừng núi nghèo khó, xa xôi nên không được quan tâm mà lực lượng Công an cũng như các lực lượng khác đã tập trung điều tra ngay khi phát hiện ra vụ án. 

Và trong khi cơ quan Công an đang tiến hành điều tra thì có một việc khá đáng nói, một thiếu nữ sinh năm 1992 ở Nghệ An đã viết những dòng tâm sự về vụ thảm án và bày tỏ mong muốn Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến với nghiệp vụ, kinh nghiệm của mình sẽ đến hiện trường trực tiếp điều tra để sớm truy tìm hung thủ. Và chính vị tướng này cho biết, ông đã đọc thư và rất chia sẻ với những tâm tư, tình cảm của cô gái này.

“Bản thân tôi rất quan tâm đến vụ án này nhưng vì mới ở Bình Phước ra nên chưa vào trong đó ngay được. Tuy vậy, ngay từ khi đến Bình Phước, tôi đã cử tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự do đồng chí Phó Cục trưởng có rất nhiều kinh nghiệm phá các vụ trọng án dẫn đầu đến hiện trường để phối hợp tích cực điều tra với Cơ quan Công an địa phương. Vì thế, tôi đảm bảo sớm muộn cũng sẽ truy tìm ra nghi phạm gây án”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến tâm sự.

Và thực tế, sau đó vị Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đã hai lần vào hiện trường vụ án để trực tiếp điều tra. Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã nhanh chóng xác định được kẻ gây án là Vi Văn Hai (Mằn) vào chiều 19/7/2015. Khoảng 2h chiều, Hai được mời lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã để bắt đầu làm việc. Tuy nhiên, Hai một mực phủ nhận và khẳng định mình không phải là hung thủ giết hại 4 người trong gia đình anh Thọ. 

Hiện trường vụ thảm án ở Nghệ An.
Trước đó, khi vào hiện trường rồi qua lán ở của gia đình Hai để quan sát, tìm hiểu…,  thì Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và các cán bộ điều tra phát hiện rẫy của gia đình Hai có cây chanh nhưng không có quả, trong khi rẫy của gia đình nạn nhân có cây chanh có quả. 

Từ miếng vỏ chanh đang khô héo ở lán của Hai và các tài liệu chứng cứ khác, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và các cán bộ điều tra đã xác định Hai chính là kẻ gây án. Dù lúc đầu Hai thừa nhận đây chính là những vỏ chanh mà anh ta đến hái trong rẫy nhà anh Thọ vào trưa 2/7 nhưng Hai vẫn khăng khăng mình không liên quan đến vụ án.   

Sau thời gian đấu trí với Hai và xâu chuỗi thời điểm vụ án xảy ra trùng hợp với thời điểm Hai khai nhận đến rẫy anh Thọ để hái chanh, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén của mình, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã khiến Hai phải cúi đầu nhận tội. Theo đó, chỉ có một mình Hai thực hiện hành vi gây án, đầu tiên Hai dùng dao sát hại anh Thọ, rồi đuổi theo mẹ con chị Yến, khi gặp bà Dương, Hai đã chém tử vong nạn nhân này, sau đó tiếp tục truy sát mẹ con chị Yến tới cùng…

Có thể nói, cuối cùng hai vụ thảm án đã được khám phá và như lời Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã nói thì đối với lực lượng Công an, việc phá được án không phải là chiến công mà là hoàn thành trách nhiệm. Trách nhiệm của chỉ đạo chỉ huy, huy động sức mạnh, tổ chức điều tra sớm nhất, tốt nhất, làm sao sớm phá án, tìm ra được thủ phạm, an ủi vong linh những nạn nhân xấu số, trấn an dư luận, ổn định trật tự an ninh xã hội.

Dù phải bỏ nhiều công sức, lao tâm khổ tứ khám phá ra các vụ án này nhưng vị Tướng hình sự lại tỏ ra rất khiêm tốn. “Cá nhân tôi cũng chỉ là một phần nhỏ bé để góp phần điều tra, khám phá ra các vụ án. Trong hai vụ thảm án này, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo sát sao, lãnh đạo Công an các địa phương rất quan tâm và các lực lượng liên quan cũng đều quyết tâm rất cao. Do vậy, việc tìm ra thủ phạm chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhìn nhận.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng hầu hết các đại án được khám phá trong những năm vừa qua, như vụ án nổi cộm Lê Văn Luyện vào năm 2011 và mới nhất là hai vụ thảm án ở Bình Phước và Nghệ An… đều ghi lại dấu ấn của lực lượng Cảnh sát hình sự mà Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến là người đứng đầu. 

Về nhân thân của vị Tướng này, có lẽ vài dòng ngắn ngủi không thể nói hết được công sức đóng góp của ông trong việc khám phá ra các vụ thảm án. Cả cuộc đời ông tính cho đến hiện tại đều gắn với công việc điều tra. Ông vào ngành Công an từ năm 1975, đến năm 1981, ông về Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội, sau đó làm Trưởng Công an quận Cầu Giấy, rồi về Cục C45 làm việc đến nay.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu