Tước phù hiệu của hơn 24.400 ‘hung thần’ vi phạm tốc độ

TPO - Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngày 1/1 đến hết ngày 30/11 năm nay, có tới hơn 24.400 phương tiện bị thu hồi phù hiệu vì vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên.

Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cũng chấn chỉnh, nhắc nhở đối với hơn 493.000 ô tô có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.

Được biết, hiện nay các Sở Giao thông vận tải (GTVT) đang căn cứ vào dữ liệu được xử lý từ hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để quản lý hoạt động hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Hàng tháng, trích xuất dữ liệu các phương tiện vi phạm tốc độ, thời gian lái xe liên tục để chấn chỉnh, nhắc nhở và thu hồi phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải.

Từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/11 năm nay, có tới 24.412 phương tiện bị thu hồi phù hiệu vì vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000 km trở lên. Ảnh minh họa : Lộc Liên.

Do đó, cơ quan quản lý về giao thông đường bộ đề nghị các GTVT tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để chấn chỉnh, nhắc nhở và thu hồi phù hiệu của các phương tiện kinh doanh vận tải theo quy định.

Liên quan đến phù hiệu của ô tô, theo Nghị định số 41/2024 mà Chính phủ mới ban hành, khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong vòng 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh đối với xe bị thu hồi.

Nếu đơn vị KDVT nộp lại phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, Sở GTVT chỉ cấp lại, cấp mới phù hiệu, biển hiệu sau 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong 6 tháng liên tục).

“Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi mà đơn vị KDVT không nộp, Sở GTVT chỉ cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu sau 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi”, Nghị định số 41 nêu.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi có quyết định thu hồi phù hiệu, bắt buộc phải dừng hoạt động kinh doanh đối với xe bị thu hồi. Ảnh: Bộ Giao thông vận tải.

Nếu đơn vị vận tải lấy lý do bị mất phù hiệu, biển hiệu trong quyết định thu hồi và muốn xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị KDVT, Sở GTVT không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.

Cục ĐBVN đánh giá những quy định vừa nêu nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động KDVT, hạn chế tình trạng đơn vị KDVT chây ỳ không nộp lại phù hiệu, biển hiệu mà vẫn sử dụng phương tiện để KDVT trái quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện nay, việc gắn phù hiệu ô tô áp dụng cho các đối tượng là xe kinh doanh vận tải gồm xe buýt, taxi, xe khách chạy tuyến cố định, xe chạy hợp đồng và xe du lịch; Xe vận tải hàng hóa gồm container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa,… Các phù hiệu phải được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe, ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định.