Shipper ở Bình Dương được gắn phù hiệu nhận dạng để giao hàng

0:00 / 0:00
0:00
Shipper ở Bình Dương được gắn phù hiệu nhận dạng để giao hàng
TPO - UBND tỉnh Bình Dương cho phép vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng (shipper) nhưng phải gắn phù hiệu nhận dạng.

Tối ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ký văn bản hỏa tốc về việc giãn cách xã hội và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Công văn đề nghị tăng cường biện pháp trong thực hiện giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông của người và phương tiện giao thông.

Theo đó, kể từ ngày 2/8 cho đến khi có thông báo mới, chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và quản lý, kiểm tra hoạt động của các người giao hàng bằng xe mô tô 2 bánh có ứng dụng công nghệ kết nối với khách hàng.

Rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và thực hiện điều chỉnh giảm 30% số lượng nhân viên giao hàng so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Shipper ở Bình Dương được gắn phù hiệu nhận dạng để giao hàng ảnh 1

Bình Dương siết chặt giãn cách xã hội trên nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên đó"

Về đặc điểm nhận diện, đội ngũ shipper của đơn vị, ngoài đồng phục, thùng hàng, nón bảo hiểm, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang sử dụng, các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm phù hiệu nhận dạng cho nhân viên giao hàng (thẻ cứng có tên, hình, địa chỉ, điện thoại của shipper, xác nhận của công ty cho từng shipper).

Về địa bàn hoạt động, các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 huyện, thị xã, thành phố.

Đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ: như nhân viên giao hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu, Bưu điện, Viettel Post… các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các shipper; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm (nếu có) về đối tượng, mục đích, yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình tham gia giao thông và vận chuyển hàng hóa thiết yếu.

MỚI - NÓNG