Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Thị Cấm nay thuộc phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Làng mở hội Kéo lửa thổi cơm thi vào ngày mùng 8 Âm lịch hàng năm. Đây là niềm tự hào của người dân Thị Cấm về truyền thống văn hóa lâu đời
Phần chuẩn bị cho nghi lễ dâng hương diễn ra từ đầu giờ sáng ngày 8 tháng giêng.
Đến khoảng gần 10 giờ, phần thi bốc thăm dành cho các đội thi thổi cơm được Ban tổ chức tiến hành ngay tại sân đình.
Các cô các bà chuẩn bị những chiếc bùi nhùi rơm để lót cối dã gạo và sẵn sàng chia lửa sau khi cánh nam giới chuẩn bị phần kéo lửa ở phía trong.
Sau phần nghi lễ trang trọng tại đình làng, bốn nhóm bắt đầu kéo lửa bằng những công cụ cổ xưa để chuẩn bị thổi cơm thi. Đây là phần vô cùng quan trọng trong lễ hội bắt nguồn từ nền văn minh của loài người khi tìm ra lửa.
Trong sau vài chục giây đồng hồ, ngọn lửa bùng cháy, lúc này người dân giơ cao bùi nhùi và thổi mạnh nuôi lửa chuẩn bị nấu cơm
Bốn bạn nhỏ đại diện cho 4 đội chơi tham gia phần chạy thi đi lấy nước ở "giếng nước thiêng" của miếu làng cách đình làng chừng 1km.
Cuộc thi cực kỳ sôi động tại đình làng Thị Cấm, người đi xem hội vòng trong vòng ngoài vây kín sân đình các đống rơm đã được nhóm xong bốc khói nghi ngút chờ bắc nồi lên bếp.
Những cụ già trong làng cũng tham gia với các con cháu ở phần thi thổi cơm. Cụ Phí Thị Gái (81 tuổi) đã tham gia thi hàng chục năm, nay cụ truyền lại kinh nghiệm cho con cháu cách làm sao thổi được một nồi cơm chín, thơm, dẻo để dâng lễ tổ tiên.
Sau khoảng thời gian thổi trên bếp với ngọn lửa bốc cao, các nồi cơm nhanh chóng được vùi kỹ vào đống rơm đang cháy để ủ cho đến lúc chín.
Các cụ cao niên trong trang phục các quan thời xưa ngồi trong đình làng theo dõi các đội thi đang "trổ tài" nấu cơm tập thể.
Một đội thi đang ghế cơm để đảm bảo cơm thi không khi khê hoặc sống.
Sau vài chục phút phát động cuộc thi, các cụ cao tuổi làng Thị Cấm đi vòng quanh sân đình xem xét các nhóm thổi cơm, chuẩn bị mang ra chấm điểm.
Bốn nồi cơm của 4 đội đã chín và được các cụ rước vào đình làng chấm điểm rồi dâng lên thắp hương. Cơm được cho là ngon phải dẻo, không cháy, mở vung thơm nức.
Bốn bát cơm ngon, dẻo được các cụ dâng lên báo cáo với tổ tiên.
Hội thi kéo lửa thổi cơm kết thúc cũng là lúc dân làng cùng nhau dọn dẹp, trả lại không gian tôn nghiêm cho đình làng Thị Cấm.