Gần đây, ông X.D (trú tại phố Ngọc Hà, Hà Nội) nhận được điện thoại từ số thuê bao 0812391xxx của một người nói tiếng miền Nam, xưng là cán bộ Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Hà Nội để trao đổi một việc cần thiết. Người này cho rằng, ông D. hiện sử dụng một số điện thoại thuê bao nữa (số 0961225xxx của Viettel) để kêu gọi quyên góp từ thiện với số tiền hơn 58 triệu đồng trái quy định, nên trước mắt sẽ khoá thuê bao hai chiều số điện thoại ông D. đang sử dụng.
Ông D. nói số điện thoại mình đang sử dụng đã 30 năm nay của MobiFone, và trước nay không dùng thêm số thuê bao nào khác. Ông D. nói số điện thoại 0961225xxx không phải của ông, nên đừng lừa đảo. “Anh nói giọng miền Nam, lại xưng đang làm việc tại trụ sở chính Sở TT&TT Hà Nội, nên dẹp trò lừa đảo đó đi”, ông D. nói.
Người này nhắc lại là đang làm việc tại Sở TT&TT Hà Nội, sau đó chuyển điện thoại cho người khác để nói sự việc rõ hơn.
Ông D. cho biết, người vừa được chuyển điện thoại dường như đã lái giọng để nói chuyện với ông. Anh này cho biết ngày 12/1/2023, ông D. có đến một cửa hàng của Viettel trên phố Thái Hà để đăng ký số thuê bao 0961225xxx, sau đó kêu gọi từ thiện.
Ông D. khẳng định lần nữa mình không hề đăng ký số thuê bao này. “Vậy ai đó đã dùng căn cước công dân (CCCD) của anh để đăng ký số thuê bao trên. Trước nay anh có mất hoặc thất lạc CCCD không?”, người nói chuyện điện thoại dẫn dắt câu chuyện.
Ông D. khẳng định chưa từng làm mất hoặc thất lạc CCCD, nên không có chuyện ai đó dùng tên mình để đăng ký được số điện thoại của Viettel nói trên. Tuy nhiên, người nói chuyện điện thoại vẫn tiếp tục cho biết có số thuê bao đó mang tên ông D., nên ông D. cần báo với cơ quan công an để xác định mình không liên quan đến việc kêu gọi từ thiện.
Thấy ông D. hỏi về lai lịch mình, người nói chuyện xưng tên là Trần Quốc Đ., có mã số nhân viên 0125xx, hiện làm việc tại Sở TT&TT Hà Nội nằm trên đường Giảng Võ. Đ. còn cho biết, hiện mình đang ở cơ quan, nếu cần ông D. có thể đến để gặp, còn số điện thoại đang gọi này là đường dây nóng của Sở TT&TT Hà Nội. Rồi Đ. cho biết, Sở TT&TT Hà Nội là nơi được biết việc này, nếu cần anh ta sẽ liên hệ với cơ quan công an để ông D. khai báo, xác định mình không sử dụng số thuê bao điện thoại 0961225xxx để sau này đỡ gặp rắc rối, khoá thuê bao điện thoại. Lúc này, ông D. nói nếu có thông báo gì thì ông sẵn sàng chờ văn bản chính thức, không cần nói chuyện gì thêm qua điện thoại.
Trước sự việc trên, phóng viên báo Tiền Phong đã gọi điện thoại đến Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội để phản ánh sự việc. Một cán bộ thanh tra cho biết, tại Sở TT&TT Hà Nội không có ai là Trần Quốc Đ., và số điện thoại mà Đ. gọi cho ông D. không phải là đường dây nóng của Sở TT&TT Hà Nội. Cán bộ thanh tra này cho biết, thông thường công chức làm việc qua điện thoại không ai nói về mã số công chức của mình. Việc Đ. nhận mình đang ở Sở, nếu ông D. có qua chắc cũng không gặp.
Còn đối với những sự việc tương tự như trên, theo quy định cơ quan chức năng sẽ gửi văn bản chứ không chỉ đơn thuần thông báo qua điện thoại. “Qua mô tả cách thức nói chuyện, có thể thấy đây là cách thức lừa đảo của một số đối tượng chuyên nghiệp. Bản thân chúng tôi cũng từng bị một số đối tượng gọi điện như vậy”, cán bộ thanh tra này cho biết.
Hiện nay, nhiều đối tượng đã giả danh công an, cán bộ viện kiểm sát, nhân viên bưu điện… gọi điện thoại cho người dân thông báo người đó đang gặp một tình huống vi phạm pháp luật nào đó (như có người dùng căn cước công dân để lập tài khoản ngân hàng giả để lừa đảo, nhận tiền buôn ma tuý... Rồi các đối tượng dẫn dụ, kết nối cho người nghe "báo án" qua điện thoại cho các đối tượng giả mạo công an (thậm chí còn gọi qua điện thoại hiển thị hình ảnh người mặc sắc phục cảnh sát). Tiếp theo các đối tượng yêu cầu người dân chuyển tiền để đảm bảo, bảo lãnh rồi chiếm đoạt. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng một số người dân vẫn chưa thực sự rõ về việc này, nên có người đã hoang mang khi bị đối tượng gọi điện, thậm chí rơi vào bẫy của chúng để mất những khoản tiền không nhỏ.