Từ 'vua' đồng nát đến cơ hội tỷ USD nhờ kinh tế tuần hoàn

TPO - Theo các chuyên gia, mục tiêu phát triển bền vững tạo cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp hàng năm ước tính lên tới 12 tỷ USD, trong đó riêng kinh tế tuần hoàn mở ra thị trường 4,5 tỷ USD mỗi năm. Từ kinh tế tuần hoàn, Việt Nam xuất hiện nhiều “vua” đồng nát, làm giàu từ tái chế.
Việt Nam đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa rất lớn

Tại toạ đàm về kinh tế tuần hoàn với chủ đề “Từ góc nhìn quốc tế đến tiềm năng phát triển tại Việt Nam” mới đây, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam (VBCSD)- ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường...

Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn. Bởi thế, Liên Hiệp quốc nhận định, nếu không có biện pháp ngăn chặn vấn đề trên, đến năm 2030, ở ngoài biển khơi sẽ có nhiều nhựa, sắt, thép, vật liệu xây dựng...

Ông Vinh cho rằng, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, phát triển kinh tế găn với duy trì, bảo vệ và gìn giữ môi trường, kinh tế tuần hoàn chính là lời giải.

Theo ông Vinh, kinh tế tuần hoàn có thể là khái niệm mới nhưng thực tế, nó không xa lạ gì với doanh nghiệp Việt.

Mô hình này giải quyết được xung đột giữa lợi ích đầu tư kinh doanh và bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế phi phát thải, là niềm cảm hứng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu sáng tạo, đưa ra những công nghệ tốt, ứng dụng vào kinh doanh.

Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, cơ hội về phát triển bền vững mở ra cho các doanh nghiệp là rất lớn với khoảng 12 tỷ USD/năm, trong đó, riêng cơ hội về kinh tế tuần hoàn là khoảng 4,5 tỷ USD/năm.

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban Thư ký VBCSD, để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, cần có sự sáng tạo, liên kết giữa các mô hình với nhau, từ đó tạo ra lợi nhuận cho chính doanh nghiệp.

Ông Hải dẫn chứng, nhờ áp dụng hiệu quả cách làm trên, các công ty cao su tiết kiệm được cả tỷ đồng chi phí nhiên liệu từ việc sử dụng phụ phẩm của cây cao su làm chất đốt thay vì dùng dầu diesel. Cũng nhờ kinh tế tuần hoàn, Việt Nam xuất hiện nhiều “vua” đồng nát, làm giàu từ tái chế.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm về kinh tế tuần hoàn do VCCI tổ chức

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chỉ ra, một trong những thách thức khi đưa kinh tế tuần hoàn vào đời sống là rào cản nhận thức của người dân. Rào cản xuất phát từ vấn đề đặt tên, cách gọi “kinh tế tuần hoàn” và các sản phẩm của mô hình này. “Chúng ta đã có kinh tế tuần hoàn nhưng chưa gọi nó là kinh tế tuần hoàn”, ông Huy nói.

Ông Huy lý giải, về cách gọi, nhựa tái chế hay nhựa sinh thái không khác nhau về bản chất, nhưng hai cách diễn đạt này mang lại hiệu quả tiêu dùng trái ngược. Đồ nhựa tái chế không được đón nhận tại Việt Nam, người dùng có phần lăn tăn về thành phần, chất lượng sản phẩm bởi từ “tái chế”.

Ngược lại, người Đức sẵn sàng bỏ 20 Euro (hơn 450.000 đồng) mua một chiếc cốc sinh thái, tái sinh từ bã, vỏ cà phê. Hay như những đôi giày sinh thái “made in Việt Nam” bán chạy tại Đức, sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam không thể tồn tại trên thị trường Việt Nam, đó là thách thức.

Để khắc phục tình trạng này, ông Huy khuyến nghị phải có những thay đổi ngay từ các văn bản luật để sản phẩm tái chế có cơ hội phát triển. Chính phủ cần thúc đẩy quá trình này, loại bỏ rào cản nhận thức của người dân, để doanh nghiệp không còn cảnh phải bỏ ngỏ tỷ lệ tái chế trong công bố sản phẩm.